Hoàn thiện pháp luật về xử lý VPHC đối với người chưa thành niên...

14/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC) quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính (Điều 1 Luật XLVPHC), Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định về tội phạm và hình phạt (Điều 1 BLHS), Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 (Luật PCMT) quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy (Điều 1 Luật PCMT). Mặc dù mỗi Luật có phạm vi điều chỉnh khác nhau nhưng đều có những nội dung liên quan đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, một số nội dung liên quan đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Luật XLVPHC, BLHS, Luật PCMT và các văn bản quy quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các Luật, Bộ luật này hiện đang có sự không thống nhất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

Bài viết tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập xuất phát từ các quy định pháp luật liên quan đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Luật XLVPHC, BLHS, Luật PCMT và các văn bản quy quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các Luật, Bộ luật này, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đồng thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên vi phạm vi phạm hành chính.
1. Về việc xử phạt vi phạm hành chính
          Theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 thì:
Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
 a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
 b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Theo quy định tại  khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015, thì người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi; (ii) người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; (iii) người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương XII Phần thứ hai BLHS.
Giả sử trường hợp người chưa thành niên có hành vi trộm cắp tài sản và bị kết án 09 tháng tù giam, nếu ngay sau khi chấp hành hình phạt tù này họ thực hiện hành vi trộm cắp tài sản lần thứ hai, trị giá tài sản dưới 2.000.000 đồng, thì không cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS (vì họ được coi là không có án tích).
Tuy nhiên, cũng với giả thiết trên, trong trường hợp người chưa thành niên có hành vi trộm cắp tài sản nhưng bị xử phạt vi phạm hành chính, ngay sau đó lại trộm cắp tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng, thì đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015. Bởi vì, theo quy định tại Điều 137 Luật XLVPHC thì: “Người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm”.
Đây là một trong những vướng mắc, bất cập của BLHS và Luật XLVPHC trong việc xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật có liên quan đến các hành vi chiếm đoạt tài sản, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính công bằng, khách quan trong áp dụng pháp luật, đặc biệt là đối với người chưa thành niên.

          2. Về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi

Hiện nay, chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã có nhiều thay đổi, theo khoản 2 Điều 12 của BLHS thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại 28 điều của BLHS[1]. Tuy nhiên, Luật XLVPHC hiện hành chưa có sửa đổi tương ứng về chính sách hành chính đối với người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm dẫn đến sự mất công bằng và có sự mâu thuẫn, thiếu đồng bộ với BLHS, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng tại khoản 2 Điều 92 Luật XLVPHC (người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại BLHS) là mâu thuẫn với BLHS, vì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội rất nghiêm trọng quy định tại 28 điều được nêu tại khoản 2 Điều 12 của BLHS thì phải chịu trách nhiệm hình sự mà không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng.
Thứ hai, Điều 92 Luật XLVPHC hiện hành cũng không quy định trách nhiệm hành chính đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ngoài 28 điều được nêu tại Điều 12 của BLHS dẫn đến trường hợp này vừa không phải chịu trách nhiệm hình sự, vừa không phải chịu trách nhiệm hành chính là thiếu công bằng so với quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với “người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS” và quy định “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS” (tại khoản 1 và khoản 2 Điều 90 Luật XLVPHC).
Do đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật XLVPHC theo hướng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại BLHS, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS để bảo đảm tính công bằng, tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, đồng bộ với BLHS.
3. Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hay nghiện ma túy
Luật XLVPHC hiện hành không quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính nói chung hay đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nói riêng đối với người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hay nghiện ma túy (Điều 96 Luật XLVPHC chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên). Tuy nhiên, theo quy định của Luật PCMT thì người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy vẫn được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để thực hiện việc cai nghiện (các đối tượng này được bố trí khu vực cai nghiện riêng và không bị coi là áp dụng biện pháp xử lý hành chính). Cụ thể:
Khoản 1 và khoản 3 Điều 29 Luật PCMT quy định: “Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ”. Việc cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy trong trường hợp này không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.
Khoản 4 Điều 29 Luật PCMT quy định: “Tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, thẩm quyền, thời gian, chế độ cai nghiện, thủ tục đưa người nghiện ma túy quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Chính phủ quy định”. Theo đó, Điều 24 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh quy định:
- Những người chưa thành niên nghiện ma túy bị cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội khi thuộc vào một trong 03 trường hợp: người đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn còn nghiện; người đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện; người không có nơi cư trú nhất định.
- Thẩm quyền quyết định áp dụng là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
- Thời gian áp dụng là từ một năm đến hai năm.
Điều 25 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP quy định: “Thủ tục lập hồ sơ đưa người chưa thành niên nghiện ma túy vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội chữa trị, cai nghiện được thực hiện theo quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 Mục I Chương II của Nghị định này”.
Tóm lại, theo Luật PCMT hiện hành, người chưa thành niên đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng không coi là đã bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Thẩm quyền áp dụng thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện mà không phải là Tòa án nhân dân cấp huyện như Luật XLVPHC, còn thủ tục áp dụng thực hiện theo quy định đối với người nghiện ma túy là người thành niên theo quy định về biện pháp cai nghiện bắt buộc của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Tuy nhiên, do quy định của Pháp lệnh đã bị thay thế bởi Luật XLVPHC với thẩm quyền và quy trình mới nên các địa phương không áp dụng hoặc áp dụng không thống nhất do không bảo đảm được quyền của người chưa thành niên khi không qua Tòa án nhân dân xem xét, quyết định.
Trên thực tế, trước năm 2014 (khi chưa có Luật XLVPHC), các cơ sở cai nghiện trên cả nước đều tiếp nhận chung cả người chưa thành niên và người đã thành niên. Cơ sở pháp lý ở giai đoạn này là Luật PCMT, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh này. Theo phản ánh của các địa phương, từ 01/01/2014 (khi Luật XLVPHC quy định chỉ người đủ 18 tuổi trở lên mới bị áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thẩm quyền áp dụng là Tòa án nhân dân cấp huyện) đến nay, việc đưa người nghiện dưới 18 tuổi vào cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện bắt buộc không còn được thực hiện, trong khi cai nghiện tự nguyện chưa thu hút được nhiều người tham gia, nên vấn đề người nghiện ma túy dưới 18 tuổi hiện nay đang trở nên ngày càng nhức nhối, ở nhiều nơi gây ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự xã hội. Các địa phương đặc biệt bức xúc về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng, cần áp dụng biện pháp xử lý hành chính (ví dụ: có thể đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) đối với người dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hay nghiện ma túy.
Trước tình hình nêu trên, để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy (Chỉ thị số 36-CT/TW). Bộ Chính trị đã nhận định “tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh niên, thiếu niên tăng nhanh, song chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục, ngăn chặn, đẩy lùi”. Đồng thời, tại điểm 3.1 và 3.4 khoản 3 Chỉ thị số 36-CT/TW, Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, đó là “có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đánh giá chính xác tình hình người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, tập trung ngăn chặn sự gia tăng người nghiện mới.
Do vậy, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC để quy định một cách tổng thể việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính và biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hay nghiện ma túy như sau:
- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong thời hạn 06 tháng đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đã bị lập biên bản vi phạm hành chính đối với lần vi phạm thứ ba thì áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn. Trường hợp này, nếu có nơi cư trú ổn định và đáp ứng một số các điều kiện theo quy định thì có thể xem xét áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính.
- Đối với từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Trường hợp này, nếu có nơi cư trú ổn định và đáp ứng một số các điều kiện theo quy định thì có thể xem xét áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần nghiên cứu bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC quy định về việc bãi bỏ điều, khoản (Điều 33) quy định về việc việc cai nghiện cho người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tại cơ sở cai nghiện bắt buộc trong Luật PCMT (trong trường hợp Luật XLVPHC được tiến hành sửa đổi, bổ sung trước Luật PCMT).
Lý do đề xuất:
Thứ nhất, việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng nhằm mục đích giáo dục, “chữa bệnh”, điều trị nghiện cho người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hay nghiện ma túy; đồng thời, việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng tạo điều kiện cho người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy được tư vấn, học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường nhằm giúp cho họ phục hồi về sức khỏe, nhận thức, tâm lý và hành vi, nhân cách, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
 Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn hiện nay, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ngày càng phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt, người nghiện ma túy là người chưa thành niên đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là nhóm đối tượng cần phải được quan tâm đặc biệt, cần được quản lý kịp thời phòng ngừa nguy cơ hoặc cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý, “chữa bệnh” kịp thời. Do vậy, việc quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hay nghiện ma túy nhằm tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng đồng thời là những biện pháp phòng ngừa sớm với những đặc thù riêng là rất cần thiết.
Thứ ba, điều này thể hiện tính nhân văn, đồng thời, cũng phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (hạn chế tối đa việc tước quyền tự do và tách trẻ em ra khỏi môi trường gia đình, xã hội)[2]. Đối với đối tượng này, nếu nghiện ma túy, thay vì áp dụng biện pháp cai nghiện tại khu vực riêng trong cơ sở cai nghiện bắt buộc như quy định tại Luật PCMT hiện hành, thì nên áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (nếu không có nơi cư trú ổn định) hoặc biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng (nếu có nơi cư trú ổn định và đáp ứng một số các điều kiện theo quy định) để giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, thay đổi hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Thứ tư, việc quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật (BLHS năm 2015 - sửa đổi, bổ sung năm 2017 không coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm).
Tóm lại, việc nghiên cứu, bổ sung quy định về áp dụng biện pháp xử lý hành chính và biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hay nghiện ma túy là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với đối tượng người dưới 18 tuổi cần quy định thẩm quyền, trình tự thủ tục, xem xét, quyết định áp dụng, chế độ áp dung, hậu quả pháp lý của việc áp dụng… phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc đặc biệt áp dụng đối với người chưa thành niên đã được quy định tại Phần thứ năm của Luật XLVPHC hiện hành. Ví dụ: quá trình lập hồ sơ phải có sự tham gia của cha mẹ, người giám hộ; việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp này do Tòa án thực hiện theo thủ tục đặc biệt hơn so với người đã thành niên[3];…
ThS. Nguyễn Hoàng Việt*
 
* Thạc sỹ Luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
  2. Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.
  3. Quy tắc Bắc Kinh (Các Quy tắc tiêu chuẩn thối thiểu của Liên Hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người vị thành niên, 1985).
  4. Hướng dẫn Ri – át (Các Hướng dẫn của Liên Hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên, 1990).
  5. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
  6. Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH1.
  7. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
  8. Luật Phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10.
  9. Luật số 16/2008/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy.
  10. Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10.
  11. Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
  12. Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.
 
[1] Khoản 2 Điều 12 của BLHS quy định “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.
[2] Một số công ước có liên quan như: Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em; Quy tắc Bắc Kinh (Các Quy tắc tiêu chuẩn thối thiểu của Liên Hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người vị thành niên, 1985); Hướng dẫn Ri - át (Các Hướng dẫn của Liên Hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên, 1990).…
[3] Về lâu dài, có thể tính toán chuyển Tòa gia đình và người chưa thành niên xem xét, quyết định áp dụng.

Xem thêm »