Định hướng hoạt động PBGDPL trong quá trình cải cách tư pháp – Một số bài học kinh nghiệm của Nhật Bản

13/11/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 02/6/2005, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị Quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhằm bảo đảm hệ thống tư pháp đáp ứng các yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện chiến lược này, một trong những nhiệm vụ được Bộ Chính trị đề ra là phải hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan dân cử và phát huy quyền làm  chủ của Nhân dân đối với cơ quan tư pháp. Trong đó, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân được xác định là giải pháp quan trọng cần được đẩy mạnh để  hoàn thành nhiệm vụ này.[1] Tuy nhiên, thực tế triển khai nhiệm vụ này tại các cơ quan tư pháp gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các định hướng cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tư pháp. Hạn chế này đã phần nào dẫn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ này khó được định lượng và đánh giá một cách toàn diện. Minh chứng cụ thể cho hạn chế này có thể thấy trong đề cương báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị Quyết số 49. Theo đó, việc báo cáo kết quả của nhiệm vụ đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân về hoạt động tư pháp chỉ tập trung vào vai trò của phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về hoạt động tư pháp.[2] Việc định hướng báo cáo như vậy của  Ban chỉ đạo tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan trong lĩnh vực tư pháp chỉ đơn thuần hiểu hoạt động tăng cường hoạt động phổ biến trong lĩnh vực tư pháp theo Nghị Quyết số 49 là hướng tới cung cấp các thông tin tư pháp cho người dân một cách cơ học chỉ quan tâm đến số lượng. Theo cách hiểu này, các cơ quan chỉ cần cố gắng sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng càng nhiều càng tốt để đưa các thông tin pháp luật và hoạt động tư pháp tới cho cho người dân, mà không cần quan tâm người dân có thực sự hiểu ý nghĩa của những thông tin này hay sự tác động của chúng tới việc làm thay đổi ý thức của người dân tới hoạt động tư pháp.
Trên cơ sở những phân tích này, theo quan điểm của tác giả, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật gắn với cải cách tư pháp cần có sự đầu tư, định hướng một cách khoa học và toàn diện nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp một cách thực chất và hiệu quả, tránh việc chỉ hướng tới hình thức thông qua việc tập trung vào số lượng tin bài. Để có một chiến lược và định hướng đúng đắn cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân trong lĩnh vực tư pháp, bài viết cung cấp một số khuyến nghị và góc nhìn khoa học trên cơ sở đánh giá kinh nghiệm giáo dục pháp luật tại Nhật Bản. Việc lựa chọn Nhật Bản là đối tượng đánh giá xuất phát từ sự tương đồng về vai trò của hoạt động này trong cải cách tư pháp giữa hai quốc gia. Theo đó, Nhật Bản coi hoạt động giáo dục pháp luật là hoạt động hướng tới người dân (những người không được đào tạo và có kiến thức chuyên sâu về pháp luật và hoạt động tư pháp) nhằm giúp họ hiểu các giá trị cơ bản của pháp luật và hệ thống tư pháp, giúp hình thành niềm tin của cộng đồng vào hệ thống tư pháp, đồng thời nâng cao và đảm bảo chất lượng sự tham gia của người dân trong các trình tự và thủ tục tư pháp. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật
1. Giáo dục pháp luật cho người dân tại Nhật Bản
1.1. Bối cảnh
Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện quá trình cải cách hệ thống tư pháp với mục tiêu góp phần hình thành một xã hội Nhật Bản tự do và công bằng trong thế kỷ mới. Theo đó, trong xã hội Nhật Bản thế kỷ 21, dưới chế độ dân chủ, trách nhiệm của người dân là cần thay đổi ý thức từ phụ thuộc tuyệt đối vào nhà nước như là đối tượng bị quản lý sang phát triển ý thức cộng đồng của bản thân và tham gia tích cực hơn trong các vấn đề xã hội. Dưới xu hướng này, lĩnh vực tư pháp, với tư cách là một nhánh quyền lực cấu thành quyền lực nhà nước, cũng cần sẵn sàng cho sự tham gia rộng rãi của người dân trong toàn bộ các hoạt động của mình, trong khi vẫn cần phải bảo đảm tính độc lập, khách quan và công bằng.[3] Để đáp ứng các đòi hỏi này, quá trình cải cách hệ thống tư pháp đã được Chính phủ Nhật Bản quan tâm nghiên cứu trong những năm cuối của thế kỷ 20 và được xúc tiến triển khai ngay từ những năm đầu thế kỷ 21 cho tới nay.
Một trong những nhiệm vụ nhằm cải cách hệ thống tư pháp là đẩy mạnh hoạt động giáo dục pháp luật cho người dân. Việc xác định vai trò quan trọng của hoạt động giáo dục pháp luật trong cải cách tư pháp của Chính phủ Nhật Bản được dựa trên cơ sở các nghiên cứu khoa học và khuyến nghị của Hội đồng Cải cách Tư pháp. Một Hội đồng được thành lập theo đề xuất của Bộ Tư pháp Nhật Bản.
Cụ thể, nhằm ứng phó với  những thay đổi được dự báo trong xã hội Nhật Bản khi bước vào thế kỷ 21, kéo theo đó là những nhu cầu và đòi hỏi mới của xã hội tới hệ thống tư pháp, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã đệ trình Nội Các dự thảo thành lập Hội đồng Cải Cách Tư pháp. Dự thảo này được Nội Các thông qua ngày 09/6/1999. Căn cứ vào văn bản này, Hội đồng đã được thành lập và hoạt động như một cơ quan tư vấn và nghiên cứu độc lập của Nội Các. Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, toàn bộ 13 thành viên  của Hội đồng đều là các chuyên gia, giáo sư hàng  đầu trong lĩnh vực pháp lý của Nhật Bản, đặc biệt không có thành viên nào tới từ các Bộ, ngành liên quan để bảo đảm tính độc lập. Một trong những nhiệm vụ chính của Hội đồng là giúp đánh giá và thảo luận các biện pháp cần thiết để xây dựng một hệ thống tư pháp thân thiện và thuận lợi cho người dân trong quá trình tham gia và là công cụ hữu hiệu cho người dân tận dụng để giải quyết tranh chấp.[4]
Với các nhiệm vụ được giao, sau 02 năm làm việc nghiêm túc, Hội đồng đã xác định 03 trụ cốt chính trong việc cải cách hệ thống tư pháp bao gồm: (i) xây dựng hệ thống tư pháp dễ sử dụng, dễ hiểu và đáng tin cậy đáp ứng các mong đợi từ công chúng; (ii) bảo đảm chất lượng và số lượng của các chức danh tư pháp, và (iii) nâng cao niềm tin của cộng đồng vào hệ thống tư pháp. Trong 03 trụ cột này, Hội đồng xác định việc nâng cao niềm tin của cộng đồng cần được thực hiện thông qua việc Chính phủ tạo điều kiện cho người dân tham gia một cách chặt chẽ hơn trong các hoạt động tư pháp cùng với đội ngũ chuyên gia pháp lý và người làm việc trong lĩnh vực tư pháp. Và để bảo đảm các điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng, người dân cần được giúp đỡ để hiểu về hệ thống tư pháp thông qua những phương thức thông tin và giao tiếp phù hợp giữa họ và các chuyên gia, những người làm việc trong lĩnh vực pháp luật. Theo đó, người dân và những người làm trong lĩnh vực tư pháp cần hợp tác trên cơ sở tin cậy lẫn nhau thông qua các phương thức giao tiếp phù hợp. Thông qua phương thức giao tiếp để đánh giá lại, phát triển và  bảo đảm các chức danh tư pháp có đáp ứng các mong đợi và niềm tin của người dân. Trên cơ sở này, giáo dục pháp luật được xác định là phương thức giao tiếp phù hợp giữa hai nhóm đối tượng này và là một trong những nền tảng cần thiết cho việc đạt được mục tiêu nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp.[5]
1.2. Định hướng cho giáo dục pháp luật tại Nhật Bản
Với mục tiêu xây dựng một phương thức giao tiếp hiệu quả giữa các chuyên gia pháp lý và người dân, Chính phủ Nhật Bản đã xác định 03 nhiệm vụ cần thiết để định hướng hoạt động giáo dục pháp luật cho người dân, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, xây dựng hệ thống tư pháp trở nên dễ hiểu đối với cộng đồng. Theo đó, cân nhắc nghiên cứu chỉnh sửa hoặc tiến hành diễn giải các văn bản pháp luật cơ bản, đặc biệt là các văn bản có liên quan tới hoạt động và vận hành của hệ thống tư pháp như phán quyết của Tòa án…, trở nên dễ hiểu ngay cả đối với những người dân bình thường, không được đào tạo chuyên sâu về mặt pháp lý. Trách nhiệm trung tâm trong việc thực hiện nội dung này được giao cho Bộ Tư pháp trong việc nghiên cứu và chuẩn bị các dự thảo luật và các luật hiện hành. Bên cạnh đó, ngành tòa án cũng có trách nhiệm khiến các phán quyết của mình dễ hiểu đối với người dân, đặc biệt đối với những người tham gia phiên tòa.
- Thứ hai, tăng cường cơ hội học tập và tìm hiểu về hệ thống tư pháp trong các cơ sở đào tạo; nâng cao vai trò chủ động của đội ngũ chuyên gia pháp lý và những người làm trong lĩnh vực giáo dục trong truyền đạt các kiến thức pháp lý. Theo đó, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tòa án tối cao và Liên đoàn Luật sư là các cơ quan có trách nhiệm chính trong việc phối hợp triển khai nhiệm vụ này.
- Thứ ba, nâng cao tính minh bạch trong hệ thống tư pháp thông qua thúc đẩy việc tiết lộ và cung cấp công khai các thông tin pháp lý từ tòa án, văn phòng công tố viên, và các đoàn luật sư. Nhiệm vụ này nhằm cải thiện tính minh bạch của hệ thống tư pháp và là cơ sở bảo đảm nghĩa vụ giải trình của các cơ quan đối với công chúng. Theo đó, các cơ quan này cần chủ động công khai các thông tin mình nắm giữ bằng các kênh thông tin như website, thông cáo báo chí định kỳ… phù hợp các quy định hiện hành.
2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trên cơ sở kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc nghiên cứu xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy hoạt động giáo dục pháp luật, tác giả có một số kiến nghị trong việc định hướng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ở Việt Nam, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, cần xác định rõ ràng hơn mục đích của phổ biến, giáo dục pháp luật trong hoạt động cải cách tư pháp như một kênh thông tin giao tiếp giữa các cơ quan tư pháp và người dân. Theo đó, mục đích của phổ biến, giáo dục pháp luật không hướng tới cung cấp các thông tin pháp luật khô khan, khó hiểu cho người dân một chiều và máy móc, mà hơn thế, đây là hoạt động giao tiếp hai chiều. Theo đó, bên cạnh việc cung cấp các thông tin pháp luật, các cơ quan tư pháp cũng phải lắng nghe, thấu hiểu các nhu cầu và mong đợi  của người dân đối với hệ thống tư pháp. Bên cạnh đó, giáo dục pháp luật cần hướng tới biến đổi các thông tin pháp luật phức tạp thành những thông tin dễ hiểu, dễ  tiếp nhận tới người dân. Từ đó, thông qua những thông tin này, người dân hiểu và dần hình thành  niềm tin vào hệ thống tư pháp.
- Thứ hai, bên cạnh hoạt động phổ biến, cần chú trọng và nâng cao hoạt động giáo dục pháp luật, đặc biệt là trong các cơ sở giáo dục, bởi lẽ, đây là kênh thông tin rất hiệu quả, giúp hình thành nên ý thức pháp luật từ sớm cho người dân.
- Thứ ba, cần coi hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật như một hình thức bảo đảm tính minh bạch của các cơ quan tư pháp và gắn trách nhiệm giải trình của các cơ quan này tới người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã ban hành Luật tiếp cận thông tin, trong đó ghi nhận quyền lợi được tiếp cận các thông tin của người dân và trách nhiệm công khai các thông tin của các cơ quan nhà nước.
- Và cuối cùng, hoạt động giáo dục pháp luật chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự tham gia tích cực từ các chuyên gia và những người làm việc trong lĩnh vực tư pháp trong việc truyền tải các kiến thức và thông tin pháp luật tới người dân. Do vậy, hoạt động giáo dục pháp luật cần định hướng gắn kết chặt chẽ và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp như Liên đoàn Luật sư, Hội luật gia...

Lưu Công Thành
 
[1] Mục 2.5, Phần II Nghị Quyết số 49-NQ/TW

[2] “Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020,” Trang thông tin điện tử tổng hợp của Ban Nội Chính Trung ương, truy cập ngày 15/8/2020, http://noichinh.vn/cong-tac-tu-phap/201906/tong-ket-nghi-quyet-so-49-nqtw-cua-bo-chinh-tri-khoa-ix-ve-chien-luoc-cai-cach-tu-phap-den-nam-2020-305834/

[3] Trích và dịch theo Báo cáo khuyến nghị của Hội đồng Cải cách Tư pháp Nhật Bản, ngày 12/6/2001, truy cập ngày  15/8/2020, https://japan.kantei.go.jp/judiciary/2001/0612report.html
[4] Trích và dịch theo Điều 2, Đoạn 1 của Law concerning Establishment of the Justice System Reform Council, truy cập ngày 15/8/2020, https://japan.kantei.go.jp/judiciary/2001/0612report.html
[5] “Các khuyến nghị của Hội đồng Cải cách Tư pháp – Vì một hệ thống tư pháp phục vụ  Nhật Bản trong thế kỷ 21,” Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, truy  cập  ngày 15/8/2020, https://japan.kantei.go.jp/policy/sihou/singikai/990612_e.html

Xem thêm »