Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, Nghị định quy định hàng hóa được coi là có xuất xứ khi thuộc một trong các trường hợp: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này; Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ, nhưng đáp ứng các quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Điều 7 Nghị định quy định: Hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ trong các trường hợp sau: Cây trồng, các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó; động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó; các sản phẩm từ động vật sống; các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó; các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó; các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ, với điều kiện nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế; các sản phẩm đánh bắt và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký ở nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó...
Điều 8 Nghị định quy định hàng hóa được coi là có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nếu hàng hóa đó đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuộc Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng do Bộ Công Thương quy định.
Xác định xuất xứ của bao bì, phụ kiện...
Nghị định nêu rõ, trường hợp hàng hóa áp dụng tiêu chí “chuyển đổi mã số hàng hóa”, vật liệu đóng gói và bao gói chứa đựng hàng hóa dùng để bán lẻ, khi được phân loại cùng hàng hóa đó, được loại trừ khỏi các nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng trong việc sản xuất ra hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa áp dụng tiêu chí “tỷ lệ phần trăm giá trị”, trị giá của vật liệu đóng gói và bao gói chứa đựng hàng hóa dùng để bán lẻ được coi là một phần cấu thành của hàng hóa và được tính đến khi xác định xuất xứ hàng hóa.
Vật liệu đóng gói, bao gói dùng để chuyên chở và vận chuyển hàng hóa sẽ không được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa đó.
Tài liệu giới thiệu, hướng dẫn sử dụng hàng hóa; phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ đi kèm hàng hóa với chủng loại số lượng phù hợp được coi là có cùng xuất xứ với hàng hóa đó.
Hàng hóa chưa được lắp ráp hoặc đang ở tình trạng bị tháo rời được nhập khẩu thành nhiều chuyến hàng do điều kiện vận tải hoặc sản xuất không thể nhập khẩu trong một chuyến hàng, nếu người nhập khẩu có yêu cầu, xuất xứ của hàng hóa trong từng chuyến hàng được coi là có cùng xuất xứ với hàng hóa đó.
Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu tiên phải đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chỉ được xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi đã đăng ký hồ sơ thương nhân đầy đủ, hợp lệ./.