Một vài nét sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của pháp luật hòa giải ở Việt Nam

20/10/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thể chế hòa giải được hình thành dựa trên cở sở kinh tế, xã hội, cũng như xuất phát từ chính yêu cầu giải quyết mâu thuẫn của cuộc sống, sự đoàn kết trong nhân dânvàchịu sự tác động sâu sắc của các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội đương thời[1]. Và để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, chế định hòa giải luôn được phát triển, hoàn thiện qua mỗi thời đại, mỗi chế độ chính trị. Điều này được thể hiện khá rõ trong lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, cụ thể:
a.Trong pháp luật phong kiến thời Hậu Lê:
- Trong lệnh về xét xử việc anh em ruột tranh giành kiện tụng được vua Lê Thánh Tông ban bố ngày 20/7/1476 (năm Hồng Đức thứ 7) có quy định: "Quan cai trị thường xem nhân tài giỏi hay kém thì biết đời sống nhân dân sướng hay khổ, muốn cho việc kiện tụng giảm bớt đều do xã trưởng khuyên giải…"[2]
- Trong Chỉ dụ của vua Lê Huyền Tông có ghi: “Riêng các xã trưởng, nếu trong làng có sự tranh tụng, phải vô tư phân xét và hòa giải. Không được xui nguyên giục bị rồi lại tự nắm lấy việc phân xử. Cũng không được tự đặt ra những luật lệ riêng rồi dựa vào những luật lệ ấy mà chiếm đoạt tài sản khiến cho các nạn nhân phải bán nhà đất cho khánh kiệt, cô lập họ, không cho tham dự các buổi tập họp, hội hè mà trái phép nước”[3].
Đến nhà Lê Trung Hưng[4], các vấn đề liên quan đến hòa giải như thẩm quyền, trình tự, thủ tục hòa giải ngày càng được quy định rõ ràng hơn:
+ Trong cuốn Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử diễn giải, quyển thứ hai, giáo sư thực thụ Đại học Luật khoa Sài Gòn Vũ Văn Mẫu có viết: "Người làm chức huyện lịnh… phải lưu tâm đến việc giáo hóa, dạy dân giữ đạo luân thường; làm cha phải hiền, làm con phải hiếu, làm anh phải thảo, làm em phải kính, vợ kính chồng, ty ấu tôn kính bậc trưởng tôn. Phàm những điều ngỗ nghịch, bất hiếu, du đảng và gian dâm được dùng roi vọt mà trừng giới khiến cho nhân nghĩa, lễ nhượng được thịnh hành, bỏ cái thói tố giác và bới móc cốt lấy sự giảm từ tụng làm gốc, hoặc khi có người nào, vì sự phẫn oán do tức khí đem nhau đi kiện hoặc vì cớ rất nhỏ mà cùng nhau tranh dành không đoái gì đến lẽ phải, thì nên hiểu dụ khuyên răn mà đuổi về chứ không được đòi tiền tài, lấy tiền đảm lễ (tụng phí) để sinh ra mối kiện. Còn đến các việc hộ hôn, điền thổ và nhân mạng, cùng khi trong dân xã có phái cậy nhiều người ăn hiếp phái ít người hay cậy là cường hào ăn hiếp kẻ cô quả, sinh ra việc kiện to, thì thế bất đắt dĩ mới phải tra xét…"... "Nếu người dân nào, vì một cớ nhỏ mà tức khí đi kiện đến quan huyện, viên này đã khuyến dụ và phân xử rồi, thế mà nguyên đơn còn không phục tình, cố kiện lên phủ, thì quan phủ phải lấy lời lẽ để hiểu dụ hòa giải để nguyên đơn phục tình, ấy là một cách dẹp bớt mối thưa kiện"[5].
+ NămVĩnh Thịnh thứ 14, vua Lê Dụ Tông ban hànhbộ "Quốc triều khám tụng điều lệ", trong đó có quy định: "Mọi việc về tạp tụng như phần biếm về ngôi thứ, chửi mắng đòi tiền nợ, bên kiện nếu có thuận tình, khám quan cũng phải chiếu lệ cho cung hòa cung thuận để ngừng việc kiện bớt phí tổn cho dân, không được lạm sách tiền lệ trầu cau…."[6].
Năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1715), trong Thông sức của Ngự sử đài có quy định: “Các Huyện lệnh được trao cho trách nhiệm gần dân, lời kêu của hai bên lúc đầu đều đã qua mình xét đoán; bấy giờ lòng tranh tức của hai bên chưa phân, phí tổn theo kiện chưa mấy, còn có thể đem lẽ phải vạch cho họ hiểu, khuyên đi bảo lại khiến hai bên hòa giải, đó cũng là một cách làm cho thôi kiện”[7].
+ Năm Bảo Thái thứ năm, vua Lê Dụ Tông chuẩn định lệ cho người kiện cung hòa như sau: "Phàm việc kiện tụng về ruộng đất, tiền nợ, nếu là việc nhỏ, không cần đến luật hình, mà đôi bên thuận tình hòa hưu mới cho phép, không được ép, dụ dỗ làm tờ cung hòa, để tránh sự thay đổi"[8].
 Cũng theo Từ tụng điều lệ thì thể thức hòa giải được tiến hành như sau: "Hoàng hiệu... ngày… tháng… năm… người kiện ở xã… huyện… phủ… là Nguyễn… trình về việc ngày… tháng… năm nay có đơn kiện Nguyễn… về việc… tại nha môn… (hoặc đã tra khám hoặc chưa tra khám). Nay tôi tình nguyện giải hòa, xin đình chỉ việc kiện tụng, mọi việc đều không khiếu nại. Nay Nguyễn giáp đã giải hòa, thì xin đình chỉ việc kiện tụng, nếu sau này tôi không theo đúng tờ hòa giải, lại đến kiện cáo sinh chuyện thì y theo luật trị tội. Nước có pháp luật cho nên lập tờ hòa giải làm 3 bản, nha môn lưu 1 bản, 2 bên mỗi bên giữ 1 bản, để đối chiếu làm bằng. Nay cam kết, 2 bên cùng ký"[9].
Ngoài ra, vấn đề hòa giải còn được quy định khá chặt chẽ trong các bản hương ước[10]. Ví dụ như:
+ Tại Điều 10 Khoán ước của xã Dương Liễu, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai (nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội) được lập ngày 21 tháng Giêng năm Vĩnh Hựu (1739) đời vua Lê Ý Tông có ghi: Bản xã có người nào đánh nhau chửi nhau, cho phép trình báo các chức sắc hàng xã để khuyên giải phân xử phải trái. Nếu như người nào không làm theo như thế, mà lại đem bẩm báo lên nha môn, khi xét xử thấy đúng như lời khuyên giải phân xử của hàng xã, thì bắt phạt người ấy 3 quan tiền cổ. Nếu ai không trình báo với các hàng chức sắc ở xã để phân xử phải trái, lại bẩm báo thẳng lên quan trên thì cũng xử phạt như thế[11].
+ Theo Điều thứ 60, Điều thứ 61 Khoán ước làng Đông Ngạc (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được soạn năm 1937 thì: Trong làng có ai kiện cáo về dân sự hay thương sự trước hết phải trình hội đồng hòa giải, nếu ai không tuân mà tự tiện vào trình quan ngay thì hội đồng sẽ phạt tiền. Viên Chánh hương hội tiếp ai trình thì phải mở hội đồng, lấy lẽ chính đáng và tình thân ái hòa giải cho hai bên, nếu hòa giải xong thì cứ theo trong luật mà làm hòa giải, chứng thư giao cho lý trưởng trình quan sở tại[12].
+ Tại Điều 73 bản hương ước của làng Quỳnh Đôi có ghi: Trong làng cốt lấy sự không kiện nhau là quý, phàm ai có sự gì uất ức phải trình làng để làng xét xử, không được đưa nhau đi kiện ở quan. Nếu làng xét xử không được rõ ràng công bằng thì mới đưa nhau đến quan xử, quan xử y như làng xử thì làng phạt lợn 1 con giá là 3 quan. Nếu không trình làng đi kiện ở quan, làng cũng phạt như vậy[13].
b) Trong thời kỳ Pháp thuộc: Chế định hòa giải được quy định tại "Bộ Bắc Kỳ pháp viện biên chế". Theo đó, hòa giải được coi là một giai đoạn bắt buộc khi giải quyết các việc hộvà thương sự.
c) Thời kỳ sau năm 1945 đến nay
Tại Điều thứ 1 Sắc lệnh số 03/SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc giữ nguyên tạm thời các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam bộ cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn quốc nước Việt Nam quy định: "Cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam, các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam bộ vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ, nếu những luật lệ ấy không trái với những điều thay đổi ấn định trong sắc lệnh này". Trước các tòa án ở Nam bộ và ba thành phố Hà nội, Hải phòng và Đà nẵng sẽ áp dụng thủ tục ấn định trong nghị định ngày 16/3/1910 của nguyên Toàn quyền Đông dương và những nghị định sửa đổi nghị định ấy.
Tiếp đó, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật như: Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về cách tổ chức các tòa án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại khoản 1 Điều thứ 3 của Sắc lệnh quy định, Ban tư pháp xã có quyền hoà giải tất cả các việc dân sự và thương sự. Nếu hoà giải được, ban tư pháp có thể lập biên bản hoà giải có các uỷ viên và những người đương sự ký.
Tiếp đến, tại Điều thứ 4 của Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 về ấn định thẩm quyền của các tòa án và sự phân công giữa các nhân viên trong tòa án quy định,Ban tư pháp xã hoà giải tất cả các việc hộ và thương mại do các người đương sự muốn mang ra trước ban tư pháp ấy.
Biên bản hoà giải thành chỉ có hiệu lực tư chứng thư.
Cùng với chế định hoà giải của Ban Tư pháp xã là chế định hoà giải của Toà án. Cụ thể, theo Điều thứ 9 và Điều thứ 12 của Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 thì khi nhận được đơn kiện về dân sự hay thương sự, ông thẩm phán sơ cấp phải đòi hai bên đến để thử làm hòa giải. Biên bản hòa giải có hiệu lực công chứng thư. Đối với những việc dân sự và thương sự thuộc về thẩm quyền của tòa án đệ nhị cấp[14] đều phải giao trước về cho ông thẩm phán sơ cấp hòa giải.
Cùng với sự phát triển của Nhà nước và pháp luật Việt Nam, chế định hòa giải cũng ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn. Đến thời điểm hiện nay, trên thực tế ở nước ta tồn tại 02 hình thức hòa giải là hòa giải trong tố tụng và hòa giải ngoài tố tụng, cụ thể:
- Hòa giải trong tố tụng là hình thức hòa giải được tiến hành tại Tòa án nhân dân khi giải quyết các tranh chấp theo yêu cầu của các bên đương sự. Phạm vi, thẩm quyền, trình tự thủ tục hòa giải được quy định cụ thể trong pháp luật về tố tụng, cụ thể:
+ Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, vấn đề này được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Về bản chất thủ tục, đây là bước đầu tiên trước khi xét xử và được tiến hành dưới sự hướng dẫn của thẩm phán thụ lý vụ việc. Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
+ Trong lĩnh vực pháp luật hình sự, lần đầu tiên Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về chế định “hòa giải tại cộng đồng”. Theo quy định của Bộ luật thì hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: (i) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy)  ;(ii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy). Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải tại cộng đồng được quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 426, Điều 428).
Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Bộ luật thì người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải (có thể các bên tự thương lượng, hòa giải với nhau hoặc hòa giải thông qua một tổ chức hòa giải trung gian như tổ hòa giải ở cơ sở) và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
- Hòa giải ngoài tố tụng là hình thức hòa giải được thực hiện bởi một bên trung gian, độc lập trước khi tranh chấp được đưa đến cơ quan tư pháp. Hiện hình thức hòa giải này được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau:
+ Hòa giải ở cơ sở: Được điều chỉnh bởi Luật hòa giải ở cơ sở 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Theo quy định tại Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở thì việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp: (a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; (b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; (c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; (d) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.[15]
Về bản chất thủ tục thì, hòa giải ở cơ sở mang bản chất “xã hội” hơn là pháp lý. Theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì kết quả hòa giải thành ở cơ sở có thể được Tòa án công nhận. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
+ Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Tại Điều 202, 203 Luật đất đai 2013 quy định, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
+ Hòa giải thương mại: Được quy định cụ thể tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017. Theo quy định tại Điều 2 của Nghị định thì phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại gồm: (i) tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; (ii) Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; (iii) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
+ Hòa giải lao động: được quy định của Bộ luật lao động năm 2019 (Chương XIV. Giải quyết tranh chấp lao động). Theo quy định tại khoản 2 Điều 191 Bộ luật lao động thì, tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
+ Hòa giải, đối thoại tại Tòa án:được thực hiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020. Theo đó, hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải, đối thoại thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính  theo quy định.
Từ thực tiễn công tác hòa giải thời gian qua cho thấy, chế định hòa giải ngày càng phát huy được vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó thông qua việc trực tiếp giải quyết tận gốc rất rất tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; hạn chế đơn thư, khiếu kiện, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và Nhân dân, đồng thời thông qua quá trình hòa giải đã góp phần truyền bá, hình thành trong mỗi công dân ý thức thượng tôn pháp luật.
Nguyễn Thị Giang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 

[1]Trần Văn Quảng, Chế định hòa giải trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam - cơ sở lý luận và thực tiễn, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, 2004, tr. 57.
[2]Hồng Đức thiện chính thư, Viện nghiên cứu Hán nôm, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Một số văn bản điểu chế và pháp luật Việt Nam từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, 2006, tr. 481.
[3]Toan Ánh, Trích theo “Nếp cũ làng xóm Việt Nam”, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 228
[4]Gồm 16 vị vua là: Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, Lê Thế Tông, Lê Kính Tông, Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông, Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông, Lê Đế Duy Phương, Lê Thuần Tông, Lê Ý Tông, Lê Hiển Tông và Lê Mẫn Đế (Lê Chiêu Thống).
[5]Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử diễn giải, quyển thứ hai, Sài gòn, 1975, tr. 235 - 236.
[6]Một số văn bản pháp luật Việt Nam thế kỉ XVII - XVIII, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr. 327
[7]Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương loại chí,tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 299-300.
[8]Như trên đã dẫn, tr.122
[9]Từ tụng điều lệ, Viện nghiên cứu Hán nôm, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Một số văn bản điểu chế và pháp luật Việt Nam từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, 2009, tr. 256
[10] Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì Hương ước là những quy ước, điều lệ của một cộng đồng chung sống trong một khu vực. Là bản pháp lý đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng. Tuy vậy "hương ước" chỉ là danh từ chung để chỉ các quy ước của làng xã, thực tế hương ước còn được gọi bằng những tên khác như: hương biên, hương khoán, hương lệ khoán ước, khoán lệ, cựu khoán tục lệ, điều ước, điều lệ. Các nhà nghiên cứu về văn hóa thôn, làng Việt Nam đã đúc kết: Hương ước của làng có thể xem như là một hệ thống luật tục, tồn tại song song nhưng không đối lập với pháp luật của quốc gia.
[11]Tài liệu tập huấn cho hòa giải viên, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp, Hà Nội, 2006.
[12]Như trên đã dẫn.
[13]Trần Từ, Cơ cấu làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979.
[14] Chung thẩm: những án của tòa án sơ cấp bị kháng cáo; Những việc kiện về bất động sản mà giá ngạch theo thời giá, hôm khởi tố hay theo văn tự không quá 150 đ; Những việc kiện về động sản mà giá ngạch trên 450 đ nhưng dưới 750 đ.
 Sơ thẩm: Những việc kiện về bất động sản mà giá ngạch theo thời giá, hôm khởi tố, hay theo văn tự trên 150 đ; Những việc kiện về động sản mà giá ngạch trên 750 đ; Những việc kiện không thể định trước được giá ngạch; Những việc kiện không cứ giá ngạch là bao nhiêu, mà phải có án nghị về thẩm quyền; và Những việc kiện có quan hệ đến thân phận hay căn cước của người, hoặc về vấn đề tế tự.
 [15]Xem thêm Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở

Xem thêm »