Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS : Cộng đồng xã hội cần quân tâm hơn nữa đối với người mắc HIV/AIDS

22/05/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đại biểu Đỗ Nguyên Phương (Bình Phước) nêu những con số đáng quan tâm về sự lan truyền của HIV/AIDS: 93% số quận, huyện, 51% trong số 50% số xã, phường đã có người nhiễm HIV. Theo ông, HIV/AIDS là bệnh mãn tính chứ không phải là tệ nạn xã hội, do đó cần đối xử bình đẳng với người nhiễm bệnh là điều cần thiết, phải tạo điều kiện lao động, cuộc sống bình thường cho họ, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em có HIV bởi hiện có nhiều trẻ em hầu như bị bỏ rơi vì HIV/AIDS.

Ngày 20/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh. Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu đọc Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. 

Dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS gồm 6 Chương, 51 Điều, quy định các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV và các điều kiện bảo đảm thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.

Dự thảo Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV, theo đó người nhiễm HIV có quyền sống hoà nhập với cộng đồng và xã hội, được điều trị và chăm sóc sức khoẻ, học văn hoá, học nghề, làm việc; được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS; từ chối khám, chữa bệnh trong giai đoạn cuối khi đang điều trị.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định người nhiễm HIV có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp phòng lây truyền HIV sang người khác; tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho biết, về tên gọi của dự thảo Luật có 3 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Phòng, chống HIV/AIDS” vì cụm từ này đã quen thuộc trong nhân dân; đồng thời, tên gọi này ngắn gọn, dễ nhớ, bao hàm các hoạt động có liên quan đến việc phòng, chống lây nhiễm HIV.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị lấy tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)” vì HIV/AIDS là từ viết tắt của tiếng Anh, do đó để bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt thì cần phải nêu đầy đủ tên gọi của dự thảo Luật.

Loại ý kiến thứ ba đề nghị lấy tên dự thảo Luật là “Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS”.

Báo cáo cũng đề cập đến các ý kiến đóng góp về các nội dung như: Về bố cục của dự thảo Luật; các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; bảo đảm quyền học tập của trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học nhiễm HIV; tiếp cận thuốc kháng HIV; bổ sung quy định về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người có Bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV; chế độ đối với người bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế; về chính sách của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV; về mạng lưới điều trị và trách nhiệm trong việc điều trị người nhiễm HIV...  

Đề dẫn trước khi tiến hành thảo luận về dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh cho rằng, tổng hợp Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật có 7 vấn đề chung và 10 vấn đề cụ thể. Ngoài những nội dung mà đại biểu quan tâm đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào những nội dung, vấn đề còn có ý kiến khác nhau như tên gọi của dự thảo Luật; quy định các biện pháp can thiệp về giảm tác hại trong phòng, chống HIV/AIDS; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế khi bị nhiễm HIV/AIDS; bảo đảm quyền học tập, vui chơi, bình đẳng đối với các cháu nhỏ khi mắc phải bệnh HIV, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với các cháu.  

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Nguyên Phương (đoàn Bình Phước) cho rằng, một số điều trong dự thảo Luật đã thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước, xã hội đối với người mắc HIV/AIDS, song HIV/AIDS là vấn đề nghiêm trọng cần phải phòng, chống, cần được toàn xã hội quan tâm hơn nữa. HIV/AIDS liên quan đến tệ nạn ma tuý, mãi dâm, nhưng không nên đồng nhất HIV/AIDS với các tệ nạn này. Đây là một bệnh và là bệnh mãn tính, không phải là tệ nạn xã hội, cần chống phân biệt, kỳ thị, phải đối xử bình đẳng với bệnh nhân HIV, tạo điều kiện về lao động, cuộc sống bình thường cho những người nhiễm, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. 

Về vấn đề quy định các biện pháp can thiệp về giảm tác hại trong phòng, chống HIV/AIDS, tuy còn có những ý kiến khác nhau, nhưng theo đại biểu Đỗ Nguyên Phương, những biện pháp này quy định trong dự thảo Luật là cần thiết để giảm tác hại trong phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, việc trao đổi bơm kim tiêm nên tự do hơn, phải sử dụng bao cao su, phát bao cao su miễn phí ở một số nơi, cho một số đối tượng, dùng thuốc thay thế. Dự luật đề cập tới các biện pháp trên là điểm mới, thể hiện sự tiến bộ khi xây dựng luật. Đại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương) cũng nhất trí đây là sự tiến bộ trong nhận thức, qui định trong luật là phù hợp, có tính khả thi vì triển khai trong nhóm có nguy cơ cao, trong điều kiện cho phép.

Đại biểu Trương Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) tán thành các biện pháp can thiệp để giảm tác hại trong phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu đồng tình với các quy định trong dự thảo Luật, cần được triển khai song hành với các biện pháp chủ yếu như thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi của những người nhiễm HIV. Đó là, cơ sở pháp lý cho công tác triển khai và tổ chức đồng bộ việc áp dụng các biện pháp giảm tác hại trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đại biểu nhất trí cao về quy định tại điều 38 trong dự thảo Luật: Những người nhiễm HIV/AIDS, nếu không tham gia bảo hiểm y tế, thì cần được Nhà nước tạo điều kiện tiếp cận với thuốc kháng HIV theo thứ tự ưu tiên. Việc này cũng thể hiện không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, họ được bình đẳng như những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính khác. Đại biểu kiến nghị, cần có những chế độ, chính sách hỗ trợ kịp thời đối với những người bị lây nhiễm HIV/AIDS, là những người đang công tác tại các trung tâm điều trị, nuôi dưỡng những người nhiễm HIV/AIDS, có nguy cơ bị lây nhiễm và gặp rủi ro cao trong nghề nghiệp. Việc này cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, của toàn xã hội đối với những người đang làm công tác đầy rủi ro này.  

Các đại biểu Huỳnh Thành Lập (thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Đoàn Văn Hồng (Đồng Tháp)... thống nhất ý kiến về bảo đảm quyền học tập của trẻ em nhiễm HIV ở lứa tuổi mầm non và tiểu học, không nên quy định việc tổ chức trường, lớp riêng cho đối tượng này bởi việc tổ chức trường, lớp riêng là không hiệu quả và không có tính khả thi, đồng thời làm tăng thêm sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội. Đại biểu Đoàn Văn Hồng đề nghị, Dự luật cần có thêm một điều qui định về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em không nơi nương tựa.  

Buổi chiều, tiếp tục thảo luận tại Hội trường, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản. Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản.

Tính đặc thù trong kinh doanh bất động sản được nhiều đại biểu tán thành, với các hình thức kinh doanh : Nhà, công trình xây dựng, trong đó có đầu tư, tạo lập nhà, công trình xây dựng nhà để bán, cho thuê; môi giới bất động sản, định giá bất động sản; dịch vụ quản lý bất động sản và sàn giao dịch bất động sản...

Các đại biểu Trần Văn Kiệt (tỉnh Vĩnh Long), Trần Công Kích (tỉnh Ninh Bình), Nguyễn Lân Dũng (tỉnh Đắc Nông), Đồng Hữu Mão (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Thị Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Hồng Anh (thành phố Hải Phòng)... cho rằng, thị trường bất động sản ở nước ta hiện nay phát triển mang tính tự phát, thiếu lành mạnh, giao dịch ngầm vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Do vậy Luật Kinh doanh bất động sản cần quy định nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do kinh doanh của các chủ thể, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; cần công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh bất động sản; công khai thông tin về bất động sản và loại giao dịch nào phải thông qua sàn, loại giao dịch nào khuyến khích thông qua sàn giao dịch... Về chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản, có nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định cụ thể hơn nữa chính sách ưu đãi về giảm thuế, miễn thuế có thời hạn; có chính sách tài chính hợp lý đối với các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản khi họ đầu tư xây dựng nhà ở để bán trả chậm, trả dần, cho thuê, thuê mua đối với các đối tượng là người có thu nhập thấp, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, công nhân trong khu công nghiệp...

Tất cả các ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đã được Đoàn Chủ tịch tiếp thu và ghi nhận, giao Ban Soạn thảo và Đoàn Thư ký tiếp tục chỉnh sửa để trình Quốc hội thông qua.

(Theo website Chính phủ)

Xem thêm »