Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân: “Đừng quá “chặt chẽ” với dân”

22/05/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng phải đóng thuế, mức chiết trừ gia cảnh như dự thảo luật có hợp lý hay không?

 

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh những con số này. Ông Hiển nói:

- Không rõ những người biên soạn dự luật này căn cứ vào đâu, mức lương tối thiểu hay là cho rằng với mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng là đã đảm bảo được chất lượng cuộc sống để rồi đưa ra mức khởi điểm chịu thuế như đã nêu trong dự thảo.

Thử hỏi hai vợ chồng là công nhân, tổng thu nhập 3 triệu đồng/tháng, thuộc diện chịu thuế, sau khi làm nghĩa vụ với Nhà nước thì họ còn bao nhiêu?

Do vậy, khi tính toán mức chiết trừ gia cảnh phải lưu ý mức khởi điểm thu nhập bình quân của người Việt Nam quá thấp. Chính phủ xây dựng chiến lược đến năm 2010 phải nâng mức lương tối thiểu ít nhất gấp đôi hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ tăng lương tối thiểu như vậy là còn thấp so với nhu cầu.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân này - dự kiến có hiệu lực đầu năm 2009 - lại lấy mức thu nhập tối thiểu hiện nay để xây dựng mức khởi điểm chịu thuế là không hợp lý. Ngay khoản chiết trừ gia cảnh cũng không hợp lý và càng bất hợp lý hơn khi người dân chưa an tâm với các chính sách an sinh xã hội do Nhà nước cung cấp.

Singapore có chính sách an sinh xã hội rất tốt như chế độ trợ cấp thất nghiệp, nhà ở, y tế... nhưng họ vẫn đưa ra mức chiết trừ gia cảnh cao hơn chúng ta nhiều lần.

Chính sách thuế thu nhập cá nhân của Singapore qui định rất rõ các khoản được giảm trừ trước khi tính thu nhập chịu thuế như: đóng góp từ thiện, chi phí đào tạo, thuê người giúp việc, chi phí sinh đẻ và nằm viện, phí đóng bảo hiểm nhân thọ... Trong đó, các khoản giảm trừ cho cá nhân được phân định khá cụ thể và mang đậm tính nhân văn.

Ví dụ, các khoản giảm trừ cho bản thân được tăng dần theo độ tuổi (dưới 55 tuổi, mức giảm trừ là 1.000 đôla Singapore (SGD)/năm, nhưng từ 60 tuổi trở lên thì được giảm trừ tới 4.000 SGD/năm) và đối với người khuyết tật, con số được giảm trừ sẽ tăng cao hơn người lao động bình thường từ 30 - 200%.

Đối với vợ/chồng, con hoặc cha mẹ cũng vậy, mức giảm trừ dành cho vợ/chồng là 2.000 SGD/năm, nhưng nếu vợ là người khuyết tật sẽ được 3.500 SGD/năm; không riêng gì nghĩa vụ nuôi cha mẹ sẽ được giảm trừ 3.500 SGD/năm (nếu là khuyết tật thì được giảm trừ 6.500 SGD/năm) mà ngay cả việc nuôi anh chị em bị tàn tật cũng được giảm trừ 3.500 SGD/người/năm...

Thưa ông, có phải mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế (1 triệu đồng/tháng) là tính theo mức lương tối thiểu và khoản chiết trừ cho người phụ thuộc (300.000 đồng/tháng) là theo chuẩn xóa đói giảm nghèo hiện nay?

Ban soạn thảo dự luật phải trả lời câu hỏi này. Nhưng dựa vào sự phản ứng của người dân về mức chiết trừ gia cảnh cho thấy con số này quá thấp. Theo tôi, hiện nay ở Tp.HCM, thu nhập của một cặp vợ chồng phải khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng trở lên thì mới có thể lo được cho gia đình có hai con và có tích lũy chút ít.

Như vậy, mức chiết trừ cho người phụ thuộc như vợ, con, cha mẹ không thể là vài trăm ngàn đồng mà ít nhất 1 triệu đồng/người/tháng. Điều này cũng phù hợp với chiến lược nâng cao mức sống người dân và tăng GDP đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 của Chính phủ.

Theo tôi, Nhà nước đừng quá “chặt chẽ” với dân, vì ngoài chi tiêu hằng ngày, người dân còn phải chi cho phát triển nghề nghiệp, học tập, giải trí..., quan trọng hơn đó là tích lũy. Thậm chí các khoản như làm từ thiện, mua bảo hiểm, thuê người giúp việc... cũng phải được chiết giảm.

Không ít doanh nhiệp cũng đang lo vì nếu dự luật được thông qua thì chi phí tiền lương sẽ đội lên, ông nhận định gì về vấn đề này?

Nếu áp thuế, chắc chắn doanh nghiệp phải tính lại tiền lương để duy trì chất lượng lao động. Có hai trường hợp xảy ra, hoặc là thu nhập thực của người lao động nhận ít đi hoặc là doanh nghiệp phải chi thêm. Trong cả hai trường hợp đều có thể dẫn đến những biến động trên thị trường.

Nếu doanh nghiệp phải chi thêm thì ảnh hưởng đến giá cả. Ngược lại thì ảnh hưởng đến sức mua. Cũng cần nói thêm là nếu ấn định mức khởi điểm chịu thuế quá thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến sức mua, làm chậm đi tốc độ cải thiện mức lương trong các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, chế biến nông sản, lắp ráp...

Trong khi chúng ta vẫn chưa làm tốt các chính sách về an sinh xã hội nhưng lại thu thuế của dân là điều đáng suy nghĩ. Khi người dân còn băn khoăn về cuộc sống của mình, họ sẽ né tránh thuế, đó là điều không ai muốn nhưng rất dễ xảy ra, một khi quyền lợi của người dân chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Lê Khánh Lâm, chuyên gia tài chính - thuế: Người dân phải được biết phương pháp soạn luật

"Ở các nước Anh, Úc..., khi soạn luật thuế thu nhập họ rất thận trọng vì đây là loại thuế trực thu đụng chạm trực tiếp đến túi tiền của từng gia đình, tức dễ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của dân chúng hơn so với các luật thuế gián thu (chủ yếu đánh vào hàng hóa).

Chính vì thế, các chính phủ thường thông báo cho dân chúng biết về lộ trình chuẩn bị và sau đó công bố rộng rãi bản diễn giải về phương pháp luận xây dựng luật thuế (Explanatory Memorandum - EM).

Bản EM phải đưa ra được các cơ sở cho việc tính thuế, trong đó các phần dính líu tới các con số, chẳng hạn như các khoản chiết trừ gia cảnh (personal allowance), phải được diễn giải bằng kết quả của các cuộc khảo sát qui mô lớn trên cả nước với sự tham gia của tất cả các nhóm đối tượng sẽ bị ảnh hưởng.

Dựa trên đó, dân chúng sẽ có phản hồi, ví như họ nói các mẫu này không hợp lý và không đại diện cho số đông, đề nghị làm lại để tìm ra con số sát với thực tế hơn. Tức ở đây, người dân được tôn trọng và được góp tiếng nói vào quá trình soạn thảo một bộ luật mà họ sẽ là người thực hiện.

Ngoài ra, bản EM cũng đưa ra các phân tích về ảnh hưởng của luật thuế mới trên ba khía cạnh gồm: ngân sách nhà nước dự kiến sẽ tăng lên bao nhiêu, quản lý thuế sẽ thay đổi như thế nào để đảm bảo tính hiệu quả và công bằng, và người nộp thuế sẽ chịu tác động ra sao.

Từ kinh nghiệm trên, đề nghị Bộ Tài chính cần công bố khảo sát của mình (nếu có) để người dân có thông tin và cơ sở phản biện, từ đó sẽ hỗ trợ Nhà nước trong việc xây dựng và đưa luật thuế nhạy cảm này đi vào cuộc sống."

 

(Theo Tuổi trẻ)

Xem thêm »