Ngày 01/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.
Nghị định quy định, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 90-100 triệu đồng - là nội dung tại Nghị định 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh sổ xố đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 của Chính phủ.
Nghị định 80/2019/NĐ-CP bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện hành vi vi phạm quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không cập nhật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 8 và Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền; Phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với hành vi không ban hành quy trình rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền; Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng, biện pháp đánh giá tăng cường quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Nghị định cũng quy định, đối với hành vi không xây dựng quy định phân loại khách hàng, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro rửa tiền theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng; Phạt tiền từ 40-80 triệu đồng đối với hành vi không ban hành và tuân thủ quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, không thực hiện kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền; Phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với hành vi không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo quy định tại khoản 2 khoản 3 Điều 13 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 30-60 triệu đồng đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền và phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống rửa tiền. Đối với hành vi tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 90-100 triệu đồng.
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện hành vi vi phạm quy định về chống tài trợ khủng bố thị bị phạt như sau: Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng theo quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống khủng bố. Đối với hành vi không tố giác tài trợ khủng bố thì sẽ bị phạt tiền từ 90-100 triệu đồng.
Tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm
Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định quy định về tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm.
Cụ thể, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn lựa chọn, sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam thì tổ chức nước ngoài phải đáp ứng các tiêu chuẩn gồm: Được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới theo quy định của pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức đóng trụ sở chính; Đang hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm tính tới thời điểm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam; Không vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nơi tổ chức đóng trụ sở chính trong thời hạn 3 năm liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam; Hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.
Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm./.