Ngày 25 tháng 02 năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với Cựu chiến binh quy định tại Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh.
Theo đó, Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với Cựu chiến binh theo quy định tại Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh về chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí và chế độ trợ cấp khi thôi làm công tác Hội (sau đây viết tắt là Nghị định số 157/2016/NĐ-CP).
Chế độ bảo hiểm y tế đối với Cựu chiến binh quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP
Thông tư quy định, chế độ bảo hiểm y tế đối với Cựu chiến binh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Trình tự xác định, quản lý và cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với Cựu chiến binh thực hiện tương tự như đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số số 25/2016/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xác định, quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Chế độ mai táng phí đối với Cựu chiến binh quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP
Cựu chiến binh khi từ trần, nếu không thuộc đối tượng hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Luật Bảo hiểm xã hội thì người tổ chức mai táng được hưởng mai táng phí bằng mức trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành. Hồ sơ, thủ tục xét hưởng chế độ mai táng phí đối với Cựu chiến binh từ trần thực hiện tương tự như đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Điều 39 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.
Chế độ trợ cấp khi thôi công tác Hội cựu chiến binh quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP
Theo Thông tư, đối tượng hưởng trợ cấp thôi công tác Hội là cựu Chiến binh đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hàng tháng, khi thôi làm công tác Hội được hưởng trợ cấp thôi công tác Hội, gồm các đối tượng sau: Cựu chiến binh được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng tham gia công tác tại cơ quan Hội Cựu chiến binh từ Trung ương đến cấp huyện; Cựu chiến binh là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã; Cựu chiến binh là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã;
Cách tính trợ cấp thôi công tác Hội:
Các đối tượng được hưởng trợ cấp thôi công tác Hội, cứ mỗi năm tham gia công tác Hội được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa (1/2) tháng lương hiện hưởng. Lương hiện hưởng là tháng lương cuối cùng tại cấp Hội nơi đang công tác (không tính phụ cấp đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và phụ cấp công vụ), gồm: mức lương theo chức danh, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), cộng 5% mức lương tái cử, tái bổ nhiệm theo quy định tại Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW ngày 01 tháng 7 năm 2011 của Ban Tổ chức Trung ương (nếu có). \
Đối với Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã: Cứ mỗi năm tham gia công tác Hội được hưởng trợ cấp thôi công tác Hội bằng nửa (1/2) tháng phụ cấp hiện hưởng.
Số năm công tác để tính trợ cấp một lần là tổng thời gian từ khi có quyết định tham gia công tác Hội (được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng) đến khi có quyết định thôi công tác Hội của cấp có thẩm quyền. Trường hợp Cựu chiến binh có thời gian tham gia đứt quãng thì được cộng dồn; nếu có tháng lẻ thì từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm, dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm.
Thẩm quyền ra quyết định thôi công tác Hội: Căn cứ ý kiến (bằng văn bản) của cấp ủy có thẩm quyền (theo phân cấp) về việc bổ nhiệm, tuyển dụng, nghỉ hưu, nghỉ công tác đối với Cựu chiến binh tham gia công tác Hội. Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh (hoặc Thường trực Hội Cựu chiến binh) cấp có thẩm quyền chuẩn y kết quả bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ tham gia công tác Hội thì Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp đó ra quyết định thôi công tác Hội đối với cán bộ. Tổ chức Hội Cựu chiến binh các cấp có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi công tác Hội cho cán bộ cấp mình quản lý khi Cựu chiến binh có quyết định thôi công tác Hội của cấp có thẩm quyền.
Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ, chính sách
Kinh phí thực hiện chế độ chính sách quy định tại Thông tư này do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách hiện hành. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2020. Các quy định tại Điểm 1, Điểm 2, Điểm 5 và Điểm 6 Mục II Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BLĐTBXH-HCCBVN-BTC-BQP ngày 25 tháng 7 năm 2007 của liên Bộ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này khi được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì nội dung dẫn chiếu cũng được điều chỉnh thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.