Nghị định số 61/2021/NĐ-CP: Quy định chi tiết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

30/06/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 25/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Nghị định này quy định chi tiết khoản 4 Điều 9, khoản 4 Điều 10, khoản 4 Điều 12 và khoản 4 Điều 13 Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (sau đây gọi là Nghị quyết số 130/2020/QH14) về nhiệm vụ, quyền hạn của Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; màu sắc, dấu hiệu nhận biết riêng đối với trang bị, phương tiện được sử dụng huấn luyện và triển khai thực hiện nhiệm vụ; quy trình Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Chính phủ về cử, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Nghị định áp dụng đối với: 
 Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Nghị định quy định: Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại Phái bộ là người chỉ huy cao nhất, đại diện của lực lượng Việt Nam tại phái bộ về lĩnh vực hành chính và kỷ luật với Liên hợp quốc.
Trong thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc có nhiệm vụ:
Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực tham gia do cấp có thẩm quyền của Liên hợp quốc giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.
Giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong việc tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về nâng cao năng lực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Làm việc với chính quyền nước sở tại, tổ chức quốc tế và đối tác khác tại phái bộ khi được phép của cấp có thẩm quyền nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đa phương và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của lực lượng Việt Nam.
Theo dõi, giúp đỡ lực lượng Việt Nam tại phái bộ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. 
Trong chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng Việt Nam tại phái bộ có nhiệm vụ: 
Giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong việc nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng Việt Nam tại phái bộ.
Điều phối công tác hỗ trợ triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam khỏi phái bộ.
Giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành về hành chính và kỷ luật đối với lực lượng Việt Nam tại phái bộ.
Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. 
Trong điều tra, xử lý vi phạm đối với lực lượng Việt Nam tại phái bộ có nhiệm vụ:
Chủ trì làm việc với chỉ huy các cấp của phái bộ và các cơ quan chức năng Liên hợp quốc tại địa bàn về quản lý hành chính và kỷ luật đối với lực lượng Việt Nam tại phái bộ theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền Việt Nam.
Tham gia các đoàn của Liên hợp quốc liên quan đến việc điều tra, xử lý kỷ luật đối với lực lượng Việt Nam tại phái bộ. 
Quy trình cử mới lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được Nghị định quy định như sau:
Chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ
Sau khi có đề nghị của Liên hợp quốc về cử lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chuẩn bị hồ sơ, báo cáo Chính phủ. Hồ sơ bao gồm: Tờ trình Chính phủ; dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh về việc cử mới lực lượng; biểu tổ chức, biên chế của đơn vị (trong trường hợp cử mới lực lượng theo hình thức đơn vị); văn bản đề nghị của Liên hợp quốc; tài liệu khác (nếu có);
Chính phủ xem xét việc trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định chủ trương cử mới lực lượng;
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Hồ sơ trình bao gồm: Tờ trình của Chính phủ; biểu tổ chức, biên chế của đơn vị (trong trường hợp cử mới lực lượng theo hình thức đơn vị); văn bản đề nghị của Liên hợp quốc; tài liệu khác (nếu có);
Căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ban hành quyết định việc cử mới lực lượng. Hồ sơ trình bao gồm: Tờ trình; dự thảo quyết định của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; bản chụp ý kiến của các Thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; tài liệu khác (nếu có).

Xem thêm »