Quy định về cung ứng dịch vụ tín dụng, chứng khoán, tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập… sẽ có hiệu lực trong tháng 8/2021.
Công ty thông tin tín dụng không được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng có thông tin định danh của khách hàng vay cho tổ chức, cá nhân khác
Nghị định số 58/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2021. Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP, Nghị định số 10/2010/NĐ-CP và Nghị định số 57/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Nghị định quy định, Công ty thông tin tín dụng chỉ được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng có thông tin định danh của khách hàng vay cho tổ chức tham gia khác khi khách hàng vay đồng ý cho tổ chức này được sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng do công ty thông tin tín dụng cung cấp theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp tổ chức này được khách hàng vay đồng ý.
Nghị định này bãi bỏ Điều 4 Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng; Nghị định số 57/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam,
Nghị định số 59/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 8 năm 2021. Nghị định được ban hành nhằm khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 122/2017/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, bảo đảm phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021).
Nghị định quy định, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Hình thức và thẩm quyền đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2021. Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là cơ chế tự chủ tài chính; đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành về đầu tư, tài chính và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của việc đổi mới cơ chế quản lý và đẩy mạnh xã hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
Theo Nghị định, Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công; giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phân loại mức độ tự chủ tài chính; tự chủ sử dụng nguồn tài chính; tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.
Nghị định cũng quy định, chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công hoặc tính theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước; định mức lao động do các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền.
Phó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật
Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 8 năm 2021. Quyết định được ban hành nhằm tiếp tục kiện toàn thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn và khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg.
Theo Quyết định, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương do Thủ tướng Chính phủ thành lập gồm các thành phần sau đây:
a) Chủ tịch Hội đồng: Phó Thủ tướng Chính phủ.
b) Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng: Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
c) Các Phó Chủ tịch Hội đồng: Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Mời Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
d) Các Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức sau: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Mời đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm Ủy viên Hội đồng.