Trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng

16/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trách nhiệm giải trình là một yêu cầu quan trọng đối với việc thực hiện minh bạch. Yêu cầu về giải trình của chính quyền là “nhằm bảo đảm việc cung cấp đủ bằng chứng, căn cứ mang tính khách quan để giải thích hay làm rõ về các nội dung hoặc vấn đề cần minh bạch” . Cần có một cơ chế để kiểm soát tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của quyết định hành chính của chính quyền cấp xã; bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong quá trình ban hành quyết định của chính quyền cấp xã. Thời gian qua, nhiều quyết định hành chính chưa hợp lý, không khả thi, chưa thật sự bảo đảm tính công bằng dẫn đến bị khiếu nại, khởi kiện.Việc nhân dân địa phương tham gia vào các hoạt động của chính quyền cơ sở và của các cấp chính quyền, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế. Ý kiến đóng góp của nhân dân đối với cơ quan nhà nước còn chưa được phản hồi, giải trình. Nhiều ví dụ thực tế về giải phóng mặt bằng, cắt bỏ cây xanh công cộng, thay đổi công năng công trình công cộng, thay đổi quy hoạch đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ số đông người dân và doanh nghiệp. Đối tượng chịu tác động không được tham gia chủ động trong quá trình ban hành quyết định hành chính, như trình bày về vấn đề vướng mắc của mình, tiếp xúc hồ sơ trong thực tiễn hiện nay cũng gây nên những mâu thuẫn, căng thẳng cho người dân, đối tượng chịu sự tác động của văn bản.

Ngày 10/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Theo Điều 25 của Luật Thực hiện dân chủ ở cở, có 09 nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trong đó, quy định 02 nội dung Nhân dân tham gia ý kiến liên quan đến trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng: (i) Dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng (khoản 6); (ii) Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã (khoản 8). Đây là hai nội dung được bổ sung mới so với quy định tại Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007.
Nhân dân được tham gia ý kiến về các nội dung nêu trên thông qua các hình thức quy định tại Điều 26: Hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; thông qua đường dây nóng (nếu có); Thông qua Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; Thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, thôn, tổ dân phố và tổ chức đối thoại, lấy ý kiến công dân là đối tượng thi hành của dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã.
Ngoài ra, Điều 27 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng quy định cụ thể về việc tổ chức đối thoại, lấy ý kiến công dân là đối tượng thi hành trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành:
- Trước khi ban hành quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của công dân là đối tượng thi hành, trừ quyết định hành chính có nội dung thuộc bí mật nhà nước và quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông tin và tạo điều kiện để công dân là đối tượng thi hành quyết định hành chính được biết và trình bày ý kiến nếu người đó có yêu cầu. Công dân là đối tượng thi hành quyết định hành chính có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện trình bày ý kiến.
- Trường hợp quyết định hành chính áp dụng đối với nhiều đối tượng hoặc khi xét thấy cần thiết, thì Ủy ban nhân dân cấp xã có thể tổ chức cuộc họp đối thoại, lấy ý kiến trực tiếp của các công dân là đối tượng thi hành quyết định. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện Ban Thanh tra nhân dân cấp xã và các công dân là đối tượng thi hành quyết định hành chính.
- Ý kiến của công dân là đối tượng thi hành, ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải được tổng hợp đầy đủ; nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của đối tượng thi hành được gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và được lưu cùng hồ sơ trình ký ban hành quyết định hành chính. Người có thẩm quyền ra quyết định và chịu trách nhiệm về việc ban hành quyết định hành chính của mình.
Việc bổ sung các quy định nêu trên tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã tạo cơ chế để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm soát tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của quyết định hành chính của chính quyền cấp xã; bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong quá trình ban hành quyết định hành chính của chính quyền cấp xã; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc ban hành quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích cộng đồng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tính công bằng trong ban hành quyết định hành chính bất lợi; nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động chính quyền cấp.
Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 và bãi bỏ Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

Xem thêm »