Một số quy định hướng về dẫn quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

11/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 30/09/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-NHNN hướng về dẫn quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp thay thế Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016, Thông tư số 05/2016/ TT-NHNN ngày 15/4/2016 và Thông tư số 05/2017/TT-NHNN ngày 30/6/2017. Thông tư 12 đã có sự sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2022.

Thông tư quy định nguyên tắc quản lý ngoại hối đối với các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hoá trả chậm. Theo đó khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là khoản nhập khẩu hàng hóa có ngày rút vốn đầu tiên trước ngày thanh toán cuối cùng. Trong đó:
* Ngày rút vốn của khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là:
  • Ngày thứ 90 kể từ ngày phát hành chứng từ vận tải trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải;
  • Ngày thứ 45 kể từ ngày hoàn thành kiểm tra ghi trên tờ khai hải quan đã được thông quan trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản không yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải;
* Ngày thanh toán cuối cùng được xác định là:
  • Ngày thanh toán cuối cùng của thời hạn thanh toán theo hợp đồng;
  • Ngày thanh toán thực tế cuối cùng trong trường hợp không thực hiện theo hợp đồng hoặc hợp đồng không quy định cụ thể thời hạn thanh toán;
* Thời hạn khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là thời hạn được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày thanh toán cuối cùng.
Thông tư còn quy định việc sử dụng Trang điện tử để khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả. So với các văn bản trước, Thông tư 12 đã thay đổi hình thức khai báo, đăng ký thay đổi và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay qua hình thức Trang điện tử thay vì được lựa chọn giữa hình thức truyền thống và sử dụng trang điện tử trước đó. Cụ thể: “Trường hợp bên đi vay lựa chọn khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi để giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, bên đi vay sử dụng Trang điện tử để khai báo thông tin liên quan đến khoản vay được đăng ký, khai báo thông tin về các nội dung đề nghị xác nhận đăng ký thay đổi trước khi gửi hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài”.               
Ngoài việc sửa đổi về nguyên tắc quản lý ngoại hối đối với các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hoá trả chậm và sử dụng Trang điện tử để khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả như đã đề cập ở trên, Thông tư 12 đã đưa ra quy định thêm về các khoản vay phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Các khoản vay đó bao gồm: (i) Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài; (ii) Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm; (iii) Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
          Bên cạnh đó tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thủ tục hành chính đối với: thủ tục chấp nhận chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước đầu tư; việc đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu quốc tế; đăng ký, đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài, khoản thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú; đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài; đăng ký chương trình cổ phiếu thưởng phát hành ở nước ngoài; đăng ký hạn mức tự doanh; đăng ký hạn mức tự doanh tạm thời; đăng ký hạn mức nhận ủy thác; đăng ký hạn mức nhận ủy thác tạm thời và các thủ tục hành chính khác liên quan đến giao dịch vốn khác; thủ tục hành chính đối với trường hợp đầu tư gián tiếp ra nước ngoài khác.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 

Xem thêm »