Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục và hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022

22/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 . Theo đó Luật quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt Luật có 02 nội dung quan trọng liên quan đến công tác phổ biến, truyền thông, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở.

* Đối với phổ biến, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình trong đó có truyền thông, giáo dục pháp luật
Mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định rõ, tạo cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, địa phương triển khai đồng bộ, thống nhất. Theo đó mục đích  thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử, góp phần xóa bỏ bạo lực gia đình.
Các yêu cầu thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm thường xuyên, chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực; phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa bàn; chú trọng đến trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chú trọng thay đổi hành vi của người có hành vi bạo lực gia đình, người thường xuyên có hành vi cổ xúy cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, định kiến giới; bình đẳng giới, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị bạo lực gia đình và những người có liên quan; bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.
Các nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục tập trung vào chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; quyền con người, quyền công dân, bình đẳng giới trong gia đình; truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam; gương người tốt, việc tốt trong xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình; kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử trong gia đình; kỹ năng bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình; kinh nghiệm phòng, chống bạo lực gia đình trong nước và quốc tế; nội dung khác liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
Hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; phổ biến pháp luật trực tiếp; phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; lồng ghép trong chương trình và hoạt động tại cơ sở giáo dục; tổ chức cuộc thi, chiến dịch truyền thông; lồng ghép trong hoạt động văn học, nghệ thuật, thể thao, sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng dân cư; mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
* Đối với hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định cụ thể hòa giải trong phòng, phòng bạo lực gia đình, bao gồm phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, chủ thể tiến hành hòa giải.
Trước hết, về phạm vi và đối tượng: Điều 17 của Luật quy định hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái diễn hành vi bạo lực gia đình. Việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Theo quy định này, khi xảy ra bạo lực gia đình, cùng với việc thực hiện hòa giải, người thực hiện hành vi bạo lực gia đình vẫn bị xử lý theo quy định của pháp luật, có thể là xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm.
Về nguyên tắc hòa giải: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình yêu cầu việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các nguyên tắc như chủ động, kịp thời, kiên trì; tôn trọng sự tự nguyện của các bên và an toàn của người bị bạo lực gia đình; khách quan, bình đẳng, có lý, có tình, phù hợp với quy định của pháp luật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; bảo đảm bí mật thông tin về đời sống riêng tư của các thành viên gia đình được hòa giải; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
Về chủ thể tiến hành hòa giải: Điều 18 của Luật quy định các chủ thể có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp nhằm phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình phát sinh hoặc tái diễn trước hết là các thành viên trong gia đình, dòng họ. Trong trường hợp cần thiết có thể mời chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người thân, người trong cơ quan, tổ chức của chủ thể có mâu thuẫn, tranh chấp và người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về công tác xã hội, tâm lý học, người có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tham gia hòa giải.
Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa người thuộc cơ quan, tổ chức đó với thành viên gia đình của họ khi có đề nghị của thành viên gia đình; trường hợp cần thiết thì phối hợp với cơ quan, tổ chức ở địa phương để hòa giải.
Tổ hòa giải ở cơ sở có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức, cá nhân khác hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho hòa giải viên của Tổ hòa giải ở cơ sở./.
Trần Văn Duy

Xem thêm »