Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, trong đó có một số quy định mới về báo tin và xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
* Thứ nhất, quy định các địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình nhằm tạo điều kiện cho việc báo tin, tố giác được kịp thời, thuận lợi.
Những địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình gồm có Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến các địa chỉ tiếp nhận nêu trên được thực hiện theo các hình thức gọi điện, nhắn tin; gửi đơn, thư; trực tiếp báo tin.
So với quy định trước đây, Luật đã bổ sung Đồn biên phòng nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình, cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; đồng thời làm rõ người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, bao gồm Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình. Đặc biệt Luật đã bổ sung địa chỉ tiếp nhận thông qua tổng đài điện thoại quôc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
* Thứ hai, trách nhiệm xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình cũng như việc phối hợp, thông báo về tin báo, tố giác của các cơ quan, tổ chức, chủ thể có thẩm quyền được quy định rõ nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc nhận, thông báo, báo cáo, xử lý tin báo, tố giác.
- Trách nhiệm của cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình: Khi nhận tin báo, tố giác thì trong phạm vi quyền hạn của mình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền. Bên cạnh đó các cơ quan này còn có trách nhiệm thông báo việc nhận tin báo, tố giác cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình.
- Trách nhiệm của cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình: Khi nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải thông báo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
- Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: Xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình hoặc nhận được báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của tổ chức, cá nhân nêu trên, trừ tin báo, tố giác về tội phạm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công Công an xã, phường, thị trấn xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực.
* Thứ ba, quy định người có âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình có quyền cung cấp cho cơ quan, tổ chức, có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định có 16 nhóm hành vi bạo lực gia đình. Trên thực tế, việc phát hiện, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình không phải bao giờ cũng được thực hiện ngay, bảo đảm tính kịp thời; vì lý do nào đó, khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình, tổ chức, cá nhân chưa phát hiện kịp thời hoặc chưa nhận được tin báo, tố giác; có những vụ việc bạo lực gia đình sau một thời gian dài mới được phát hiện, xử lý. Vì vậy, khi giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền còn gặp khó khăn, nhất là các công cụ kiểm chứng. Bên cạnh đó pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trước đó chưa quy định rõ quyền cung cấp âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.
Trên cơ sở đó, Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã quy định về sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình. Theo đó người có âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình có quyền cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.
Việc sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình trong quá trình giải quyết vụ việc bạo lực gia đình và đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, internet phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
* Thứ tư, quy định rõ việc bảo vệ người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình. Trong đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức các biện pháp bảo vệ người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người báo tin, tố giác./.
Trần Văn Duy