​Quản lý kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế

29/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 19/7/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 43/2022/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.


Theo đó,  Thông tư này hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Nghị định số 65/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2021/NĐ-CP). Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Luật Điều ước quốc tế và Luật Thỏa thuận quốc tế.
Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí và nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP.
Nội dung chi cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP.
Về mức chi cho các nội dung chi đã có văn bản quy định chế độ, định mức chi tiêu, thực hiện theo các chế độ quy định hiện hành, cụ thể: 
Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, công tác phí trong nước: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị. 
Chi công tác phí nước ngoài: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí. 
Chi rà soát liên quan đến điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 5; điểm b, khoản 2, Điều 5; điểm d, khoản 3, Điều 5; điểm b, khoản 2, Điều 6; điểm c, khoản 3, Điều 6, Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. 
Chi dịch thuật; chi đón các đoàn nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước. 
Chi xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về điều ước quốc tế của Việt Nam đặt tại Bộ Ngoại giao quy định tại điểm e, khoản 6, Điều 5 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP; chi xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm c, khoản 6, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và các văn bản hướng dẫn liên quan. 
Chi tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 5 và điểm a, khoản 4, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
Các khoản chi khác gồm: (1) Các khoản chi đóng góp tài chính hoặc niên liễm cho tổ chức quốc tế được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định tại điểm đ, khoản 7, Điều 5 và chi đóng góp tài chính theo thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. (2) Chi cấp bản sao điều ước quốc tế; chi phí sao lục, in ấn tài liệu; chi mua, thu thập tài liệu; chi mua văn phòng phẩm phục vụ trực tiếp cho soạn thảo điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế; các khoản chi phí khác phát sinh phục vụ trực tiếp công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế: Thực hiện theo thực tế phát sinh trên cơ sở các hóa đơn chứng từ hợp pháp, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
Một số mức chi có tính chất đặc thù phục vụ công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế:
(1) Việc xây dựng các loại hồ sơ quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 và điểm d, khoản 1, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP gồm: Hồ sơ trình về việc nghiên cứu, xây dựng phương án đàm phán, xây dựng hồ sơ đề xuất đàm phán ĐUQT; hồ sơ trình về đề xuất ký điều ước quốc tế; hồ sơ trình về việc phê chuẩn điều ước quốc tế; hồ sơ trình về việc phê duyệt điều ước quốc tế; hồ sơ trình về việc gia nhập điều ước quốc tế; hồ sơ trình về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế; hồ sơ trình về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu điều ước quốc tế; hồ sơ trình về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế; hồ sơ trình về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế; hồ sơ trình về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế; hồ sơ trình về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế. Mức chi tối đa 10.000.000 đồng/1 bộ hồ sơ, do cơ quan chủ trì trình thực hiện và tính cho sản phẩm hồ sơ cuối cùng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Danh mục một bộ hồ sơ thực hiện theo quy định tại Luật Điều ước quốc tế, Luật Thỏa thuận quốc tế. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ phức tạp của từng điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, Thủ trưởng đơn vị quyết định mức chi phù hợp, tối đa không quá mức chi quy định tại điểm này.
(2) Chi soạn thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 5 và điểm c, khoản 1, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP (tính cho sản phẩm là điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế cuối cùng được ký kết): Soạn thảo mới dự thảo điều ước quốc tế: Tối đa 8.000.000 đồng/văn bản; Soạn thảo dự thảo điều ước quốc tế sửa đổi, bổ sung: Tối đa 5.000.000 đồng/văn bản; Soạn thảo mới dự thảo thỏa thuận quốc tế: Tối đa 5.000.000 đồng/văn bản.
(3) Chi các cuộc họp của Hội đồng kiểm tra điều ước quốc tế, Hội đồng thẩm định điều ước quốc tế (nếu có) quy định tại điểm e, khoản 4, Điều 5 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Người chủ trì cuộc họp: 150.000 đồng/người/buổi; Các thành viên tham dự: 100.000 đồng/người/buổi; Lấy ý kiến tham luận bằng văn bản của thành viên tham dự: 500.000 đồng/văn bản (số lượng ý kiến tham luận do Thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định và chịu trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả, trong phạm vi nguồn kinh phí được giao).
(4) Chi báo cáo nhận xét, đánh giá của người phản biện, ủy viên của Hội đồng kiểm tra, Hội đồng thẩm định trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 và khoản 3 Điều 20 Luật Điều ước quốc tế theo quy định tại điểm e, khoản 4, Điều 5 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP; của Hội đồng thẩm tra trong trường hợp điều ước quốc tế có nội dung quan trọng, phức tạp theo quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 5 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Đối với dự thảo điều ước quốc tế mới hoặc thay thế: 1.000.000 đồng/báo cáo; Đối với dự thảo điều ước quốc tế sửa đổi, bổ sung: 700.000 đồng/báo cáo.
(5) Báo cáo về tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo quy định tại điểm h, khoản 7, Điều 5; điểm c khoản 8, Điều 5 và điểm c khoản 5, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Báo cáo quốc gia về việc thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên theo quy định của điều ước quốc tế: Tối đa 10.000.000 đồng/báo cáo; Báo cáo tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Chủ tịch nước: Tối đa 8.000.000 đồng/báo cáo; Báo cáo tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế định kỳ hàng năm của các Bộ, ngành: Tối đa 5.000.000 đồng/báo cáo; Báo cáo tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo chuyên đề hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền: Tối đa 3.000.000 đồng/báo cáo.
(6) Chi cho việc xây dựng báo cáo thẩm định, báo cáo kiểm tra đối với đề xuất ký, gia nhập điều ước quốc tế quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 5 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP và báo cáo thẩm tra điều ước quốc tế quy định tại điểm d, khoản 5, Điều 5 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Đối với dự thảo điều ước quốc tế mới hoặc thay thế: 1.500.000 đồng/báo cáo; Đối với dự thảo điều ước quốc tế sửa đổi, bổ sung: 1.000.000 đồng/báo cáo.
(7) Chi cấp ý kiến pháp lý cho các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay, thỏa thuận bảo lãnh Chính phủ quy định tại khoản 9, Điều 5 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: 4.000.000 đồng/01 ý kiến pháp lý (bao gồm tất cả các chi phí liên quan đến công tác cấp ý kiến pháp lý như: soạn thảo, họp, dịch tài liệu và các công việc khác phục vụ việc cấp ý kiến pháp lý).
(8) Chi lấy ý kiến chuyên gia quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 5; điểm d, khoản 2, Điều 5; điểm d, khoản 4, Điều 5; điểm h, khoản 7, Điều 5 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: 1.000.000 đồng/văn bản góp ý (thực hiện trong trường hợp liên quan đến điều ước quốc tế thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia độc lập; số lượng chuyên gia do Thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định và chịu trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả, trong phạm vi nguồn kinh phí được giao).
(9) Việc chi soạn thảo các bộ hồ sơ, soạn thảo văn bản, các loại báo cáo quy định tại Điểm a, b, d, đ, e, g Khoản này tính cho sản phẩm cuối cùng (bao gồm cả tiếp thu, chỉnh lý), do cơ quan được giao chủ trì thực hiện các công việc của công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thực hiện.
Chế độ bồi dưỡng ngoài lương đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Thông tư này được áp dụng cho đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành để triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa làm căn cứ để các Bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định mức chi cụ thể cho phù hợp để thực hiện trong phạm vi dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao. Đối với các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được phê duyệt dự toán thực hiện trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BTC ngày 06 tháng 02 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2022. Thông tư số 13/2018/TT-BTC ngày 06 tháng 02 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Xem thêm »