Việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản (gọi tắt là Tổ quản lý, thanh lý tài sản) được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 19/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 19 tháng 2 năm 2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự do ngân sách nhà nước bảo đảm, từ nguồn thu phí thi hành án được để lại theo quy định của cấp có thẩm quyền và từ các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Theo quy định tại khoản 8 Điều 20 Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản, kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản được lấy từ nguồn thu của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Tổ quản lý, thanh lý tài sản được tạm ứng chi từ cơ quan thi hành án dân sự. Khi thu được tiền từ xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả các khoản tiền đã tạm ứng để chi phí cho hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
Kinh phí hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và Tổ quản lý, thanh lý tài sản phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng theo tiêu chuẩn chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, thực hiện chế độ báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định của pháp luật.
Đối với kinh phí thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 68/2006/TT-BTC ngày 26 tháng 7 năm 2006 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.
1. Nội dung chi hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự:
- Các khoản chi thanh toán cho cá nhân: Tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn), tiền thưởng, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định.
- Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, chi phí thuê mướn, chi mua sách báo, tài liệu phục vụ công tác.
- Chi hội nghị, công tác phí trong nước, chi các đoàn đi công tác nước ngoài và đón các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam, chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn.
- Các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn, gồm:
+ Chi trang phục cho các cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự;
+ Chi tàu xe đi lại, phụ cấp công tác phí, tiền thuê chỗ nghỉ cho những người tham gia công tác xác minh thi hành án và thông báo thi hành án theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự;
+ Chi thuê người dẫn đường, thuê phiên dịch tiếng dân tộc (nếu có) trong quá trình thực hiện xác minh thi hành án và thông báo thi hành án dân sự;
+ Chi thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế;
+ Chi phí thuê phòng chống cháy nổ (nếu có);
+ Chi thuê địa điểm, phương tiện để định giá, bán tài sản, hàng hoá khác;
+ Chi thuê bảo quản vật chứng, tài sản thi hành án dân sự;
+ Chi tiêu huỷ vật chứng;
+ Chi thuê giám định, xác minh giá trị tài sản thi hành án dân sự;
+ Chi thông báo về thi hành án dân sự trên các phương tiện thông tin đại chúng;
+ Chi bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia công tác thi hành án dân sự.
+ Các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn khác theo quy định.
- Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn tài sản cố định.
2. Mức chi hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự:
- Các nội dung chi phục vụ cho hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự nêu trên thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu tài chính được cấp có thẩm quyền ban hành, cụ thể như sau:
+ Chi hội nghị, công tác phí được thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đi công tác;
+ Chi thanh toán cước sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động thực hiện theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội;
+ Chi tàu xe đi lại, phụ cấp công tác phí, tiền thuê chỗ nghỉ (bao gồm cả các đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia vào quá trình xác minh, thông báo thi hành án) thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đi công tác;
+ Chi khen thưởng thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ chi khen thưởng;
+ Chi trang phục cho cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ quản lý, cấp phát thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu của công chức làm công tác thi hành án dân sự;
+ Các khoản chi khác thực hiện theo mức chi tại quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Trường hợp đơn vị chưa xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ thì thực hiện theo quy định hiện hành.
- Một số khoản chi có tính chất đặc thù trong công tác thi hành án dân sự theo mức chi cụ thể như sau:
+ Chi bồi dưỡng cho các đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi tham gia vào quá trình xác minh, thông báo thi hành án, thi hành quyết định khẩn cấp tạm thời: Mức chi tối đa 25.000 đồng/người/buổi.
Đối với các đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi tham gia vào quá trình xác minh, thông báo thi hành án nếu đã được hưởng phụ cấp lưu trú theo quy định thì không hưởng mức chi bồi dưỡng này;
+ Chi bồi dưỡng cho các thành viên tham gia họp định giá tài sản (không bao gồm định giá tài sản cưỡng chế thi hành án dân sự): Mức chi tối đa 25.000 đồng/người/buổi;
+ Chi bồi dưỡng cho các cán bộ thi hành án trực tiếp tham gia xét miễn, giảm án phí, tiền phạt. Mức chi tối đa: 30.000 đồng/buổi/người.
- Đối với các khoản khác: Thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, chi phí phòng chống cháy nổ, y tế; chi thuê địa điểm, phương tiện để định giá, bán tài sản, hàng hoá khác; chi thuê gửi, giữ, bảo quản vật chứng, tài sản thi hành án; thuê vận chuyển, tiền mua nguyên nhiên vật liệu và các chi phí thực tế hợp lý khác... căn cứ theo hợp đồng và hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định và được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt.
3. Nội dung chi bảo đảm hoạt động Tổ quản lý, thanh lý tài sản:
- Chi hội nghị, công tác phí trong nước phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp;
- Chi thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản;
- Chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, chi mua tài liệu phục vụ công tác (nếu có);
- Chi thuê bảo quản tài sản, tài liệu, sổ kế toán và con dấu của doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý;
- Chi thù lao cho Tổ trưởng và thành viên Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
4. Mức chi bảo đảm hoạt động Tổ quản lý, thanh lý tài sản:
Các nội dung chi phục vụ cho hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản nêu trên thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu tài chính được cấp có thẩm quyền ban hành, cụ thể như sau:
- Chi hội nghị, công tác phí được thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị, chế độ công tác phí trong các cơ quan nhà nước;
- Chi tiền thù lao cho Tổ trưởng và thành viên Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản: Mức chi tối đa 25.000 đồng/người/buổi; Trường hợp làm ngoài giờ, ngày nghỉ được thanh toán theo chế độ làm đêm, làm thêm giờ theo Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ làm trả lương vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức;
- Đối với các khoản khác: Thuê phương tiện, chi thuê địa điểm, phương tiện để bán tài sản, hàng hoá khác; chi thuê gửi, giữ, bảo quản tài sản, tài liệu, thuê vận chuyển và các chi phí thực tế hợp lý khác... căn cứ theo hợp đồng, và hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ và được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự duyệt chi theo quy định.
5. Tạm ứng chi phí bảo đảm hoạt động Tổ quản lý, thanh lý tài sản:
- Kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản được lấy từ nguồn thu của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
Trong khi chưa thu được tiền từ xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ứng trước kinh phí hoạt động cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản từ nguồn dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao cho cơ quan thi hành án dân sự.
- Thủ tục tạm ứng: Khi Chấp hành viên có quyết định được giao làm Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản, Chấp hành viên căn cứ nội dung chi, mức chi quy định lập và trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Trên cơ sở dự toán đã được phê duyệt, Chấp hành viên làm thủ tục tạm ứng kinh phí cho hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
- Thủ tục hoàn tạm ứng: Khi thu được các khoản tiền từ doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng chi cho hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
6. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí:
Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Anh Tuấn