Quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải

07/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 26/2022/TT-BGTVT quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải.

​Văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Thông tư này bao gồm: Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), pháp lệnh, nghị quyết do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định, quyết định, nghị quyết liên tịch do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành được quy định tại Điều 18, Điều 19 và Điều 20 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là Luật Ban hành văn bản); Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Hồ sơ gửi Vụ Pháp chế thẩm định đối với dự thảo văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm:
Dự thảo Tờ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quá trình soạn thảo, nội dung chủ yếu của văn bản, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, tài liệu tham khảo; Tờ trình của cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sau khi đã được cơ quan tham mưu trình chỉnh lý;
Báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự thảo văn bản;
Bản đánh giá thủ tục hành chính nếu dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính; báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới nếu trong dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;
Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bản chụp văn bản tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với nghị định quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản;
Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; nghị định theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản;
Ý kiến của cơ quan tham mưu trình đối với dự thảo văn bản;
Bảng so sánh dự thảo văn bản với văn bản hiện hành (trong đó phải nêu rõ căn cứ, lý do sửa đổi, bổ sung của từng nội dung);
Văn bản thẩm định của tổ chức pháp chế (trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản là các Cục) và báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của tổ chức pháp chế;
Ý kiến của Văn phòng Bộ (Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính) đối với dự thảo văn bản;
Tài liệu tham khảo (nếu có).
Số lượng hồ sơ gửi Vụ Pháp chế thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là 02 bộ.
Hồ sơ gửi Vụ Pháp chế đề nghị thẩm định đối với dự thảo thông tư, bao gồm:
Tờ trình Bộ trưởng về dự thảo thông tư;
Dự thảo thông tư sau khi đã được chỉnh lý;
Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo; bản chụp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân;
Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo thông tư (nếu có); bản đánh giá thủ tục hành chính trong trường hợp được luật giao quy định thủ tục hành chính; báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới nếu trong dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;
Bảng so sánh dự thảo văn bản với văn bản hiện hành (trong đó phải nêu rõ căn cứ, lý do sửa đổi, bổ sung của từng nội dung);
Ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan tham mưu trình dự thảo văn bản hoặc các cơ quan liên quan (nếu có);
Văn bản thẩm định của tổ chức pháp chế (trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản là các Cục) và báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của tổ chức pháp chế;
Báo cáo thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với hồ sơ dự thảo thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Ý kiến của Văn phòng Bộ (Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính) đối với dự thảo văn bản;
Tài liệu tham khảo (nếu có).
Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định:
Đối với hồ sơ thẩm định dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật Ban hành văn bản, cụ thể bao gồm: Tờ trình Chính phủ về dự án, dự thảo; dự thảo văn bản; báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo; bản đánh giá thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản, nếu trong dự án, dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính; báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo, nếu trong dự án, dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý; bản chụp ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; tài liệu khác (nếu có).
Đối với hồ sơ thẩm định nghị định của Chính phủ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 92 của Luật Ban hành văn bản, cụ thể bao gồm: Tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị định; dự thảo nghị định; báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự thảo nghị định; bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; bản chụp ý kiến của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với nghị định quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Luật này; bản đánh giá thủ tục hành chính trong dự thảo, nếu trong dự thảo có quy định thủ tục hành chính; báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, nếu trong dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng nghị định quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật này; tài liệu khác (nếu có).
Đối với hồ sơ thẩm định quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 98 của Luật Ban hành văn bản, cụ thể bao gồm: Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quyết định; dự thảo quyết định; bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; bản chụp ý kiến của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo quyết định; bản đánh giá thủ tục hành chính, nếu trong dự thảo có quy định thủ tục hành chính; báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, nếu trong dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; tài liệu khác (nếu có).
Thời hạn thẩm định
Thời hạn thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 26 của Thông tư này. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Vụ Pháp chế chuyển trả hồ sơ đề nghị thẩm định cho cơ quan tham mưu trình trong 02 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Xem thêm »