Đó là một trong những nội dung cơ bản, quan trọng nhất được quy định trong Nghị định số 75/2008/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành mới đây. Theo Nghị định, các tổ chức, cá nhân (gọi chung là doanh nghiệp) sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm thực hiện đăng ký với cơ quan nhà nước về mức giá các loại hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá.
Danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm: Xăng, dầu; xi măng, thép xây dựng; khí hoá lỏng; phân bón hoá học; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú y như vac xin lỡ mồm long móng, vac xin cúm gia cầm, một số loại kháng sinh theo quy định; muối; sữa; đường ăn; thóc, gạo; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế quy định; cước vận chuyển hành khách bằng ghế ngồi cứng; một số loại thức ăn chăn nuôi gia súc như ngô, đậu tương. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội và biến động giá cả trên thị trường Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong từng thời kỳ. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quyết định danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá ngoài hàng hoá, dịch vụ đã nêu.
Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai giá hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Những hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của doanh nghiệp do Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.
Về trách nhiệm công khai thông tin về giá, Điều 22c của Nghị định quy định: doanh nghiệp phải có trách nhiệm công khai thông tin về giá. Phạm vi công khai bao gồm: các chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý giá của Nhà nước; các quyết định về giá của cơ quan có thẩm quyền; các mức giá do doanh nghiệp quyết định. Không áp dụng việc công khai về giá đối với những thông tin không được phép công khai theo quy định của pháp luật. Các hình thức công khai gồm: họp báo, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết giá theo quy định và một số hình thức khác.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định rõ 18 loại tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Nhà nước như: đất đai, mặt nước; rừng; tài nguyên quan trọng khác; nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê hoặc bán cùng với nhà ở xã hội và nhà ở công vụ; hàng dự trữ quốc gia; tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; hàng hoá, dịch vụ được sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước cùng với sản phẩm, dịch vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch; hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước theo quy định của pháp luật; điện; dịch vụ chuyển tải điện cùng với dịch vụ đấu nối lưới điện truyền tải, phân phối điện và các dịch vụ khác liên quan đến điện; nước sạch cho sinh hoạt; thuốc phòng và chữa bệnh cho người do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả; dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cùng với các dịch vụ hàng không nội địa khác; dịch vụ đối với thư cơ bản (thư thường) trong nước có khối lượng đến 20 gram và các dịch vụ khác như điện thoại nội hạt, dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ bưu chính dành riêng; dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sắt trong đô thị; hàng hoá trợ giá, trợ cước vận chuyển, dịch vụ vận chuyển, cung ứng hàng hoá và dịch vụ thiết yếu phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu ,vùng xa; báo Nhân dân, báo cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng của một số Bộ là cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giá đối với những tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Nhà nước.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về điều kiện để tổ chức hiệp thương giá, thẩm quyền hiệp thương giá, những hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục kiểm soát các yếu tố hình thành giá,.v.v.
Nghị định này sửa đổi, bổ sung Nghị định số 170/2003/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá đã được Chính phủ ban hành ngày 25/12/2003 trước đó và có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Nguyễn Đình Thơ