Nguyên tắc biên tập nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu

17/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Nguyên tắc biên tập nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu
Nguyên tắc chung
- Đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
- Loại bỏ trong chương trình tất cả các nội dung vi phạm các điều cấm của pháp luật về báo chí và quy định pháp luật khác; những vấn đề còn gây tranh cãi, những vấn đề chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.
- Bảo vệ trẻ em và đối tượng dễ bị tổn thương khác đối với các nội dung không phù hợp hoặc có thể có tác động tiêu cực.
- Loại bỏ trong chương trình những nội dung, đoạn hội thoại có ý chê bai, dèm pha về nguồn gốc, xuất thân của người đối thoại hoặc nhân vật được đề cập; những nội dung lấy nhược điểm thân thể của cá nhân để chọc cười; những từ ngữ, ký hiệu miệt thị, trái văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục Việt Nam; hạn chế sử dụng tiếng lóng, từ ngữ chửi thề nếu không phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh, nội dung được chương trình đề cập.
- Loại bỏ chương trình trong trường hợp khi thực hiện biên tập chương trình, phát hiện trong chương trình, tại địa điểm diễn ra sự kiện, địa điểm tổ chức sự kiện thể thao, giải trí có xuất hiện hình ảnh, hoạt động vi phạm các điều cấm của pháp luật, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam hoặc có các yếu tố chính trị nhạy cảm.
Đối với các chương trình ghi âm, ghi hình để phát sau: thực hiện biên tập chương trình như quy định tại khoản 1, bao gồm cả bản chữ (text) và tệp (file) hình ảnh, âm thanh.
Đối với các chương trình trực tiếp theo thời điểm diễn ra sự kiện
- Đối với chương trình do đơn vị biên tập là đơn vị tổ chức sản xuất: Thực hiện biên tập chương trình như quy định tại khoản 1 nêu trên; biên tập từ khâu kịch bản đến khâu tổ chức sản xuất trước khi diễn ra chương trình trực tiếp và giám sát, biên tập trực tiếp nội dung tại thời điểm truyền phát từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.
- Đối với chương trình khai thác, mua bản quyền trong nước và nước ngoài: Thực hiện biên tập chương trình như quy định tại khoản 1; rà soát trước nội dung căn cứ lịch truyền phát chương trình đã có trước, theo kịch bản hoặc nội dung chương trình được đối tác cung cấp trước khi diễn ra chương trình trực tiếp và giám sát, biên tập trực tiếp nội dung tại thời điểm truyền phát từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.
- Đối với các chương trình thể thao và giải trí có nội dung liên quan đến y tế, giáo dục và trò chơi điện tử trực tuyến: Thực hiện biên tập như quy định tại khoản 1 và phải bảo đảm đáp ứng quy định của pháp luật chuyên ngành.
Các tiêu chí, mức phân loại chương trình
Các tiêu chí để phân loại chương trình bao gồm: Về chủ đề, nội dung; về bạo lực; về khỏa thân, tình dục; về ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; về kinh dị; về hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục; về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
Mức phân loại chương trình theo các tiêu chí trên để phân loại được xếp từ thấp đến cao như sau:
Loại P: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem ở mọi độ tuổi;
Loại K: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem dưới 13 tuổi với điều kiện nghe, xem cùng cha, mẹ, người giám hộ;
Loại T13: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
Loại T16: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 16 tuổi trở lên;
Loại T18: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 18 tuổi trở lên;
Loại C: Chương trình không được phép phổ biến.
Đối với chương trình được phân loại C: Không được phép cung cấp trên dịch vụ.
Đối với các chương trình có mức phân loại từ loại K đến loại T18: phải thực hiện cảnh báo;
Đối với các chương trình giải trí là các chương trình truyền hình thực tế, biểu diễn nghệ thuật; các chương trình truyền hình có nội dung thi tài, biểu diễn về những hành động mạo hiểm, nguy hiểm, có nguy cơ gây thương tích; các chương trình truyền hình giả tưởng, chương trình dàn dựng lại từ sự việc có thật; các chương trình thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật, có tính bạo lực, nguy hiểm: phải có dòng chữ cảnh báo chậm nhất trước 03 giây so với thời điểm diễn ra tình huống, nội dung cần cảnh báo và được duy trì trong suốt quá trình diễn ra tình huống, nội dung này để người xem không bắt chước, học theo.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu; nguyên tắc quản lý nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu đã được biên tập, phân loại và cảnh báo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2023.

Xem thêm »