Hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

16/08/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 52/2023/TT-BTC ngày 08/8/2023 hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ.
Thông tư này hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên để thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây viết tắt là DNNVV) theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV (sau đây gọi là Nghị định số 80/2021/NĐ-CP), cụ thể: 
1- Hỗ trợ công nghệ cho DNNVV tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 11; hỗ trợ tư vấn cho DNNVV tại Điều 13; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo tại Điều 22; hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị tại Điều 25; 
2- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV tại Điều 14.
3- Hỗ trợ thông tin cho DNNVV tại Điều 12: kinh phí nâng cấp, duy trì, quản lý, vận hành Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV (sau đây gọi là Cổng thông tin) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thu thập, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu hỗ trợ DNNVV.
4- Kinh phí quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV theo điểm b khoản 2 Điều 28.
Thông tư áp dụng đối với: Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng các quy định tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về tiêu chí xác định DNNVV; Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP; Bên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ DNNVV theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 32 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP; Lao động đang làm việc trong DNNVV; cơ sở đào tạo nghề nghiệp theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV.
Về kinh phí thực hiện các nội dung hỗ trợ DNNVV quy định tại Thông tư này bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên, gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách (sau đây gọi là kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV); Nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là nguồn đóng góp, tài trợ).
Nguyên tắc quản lý và sử dụng kinh phí:
1- Đối với nguồn ngân sách nhà nước: Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV được thực hiện thông qua dự toán ngân sách nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV. Quy trình lập, quyết định, giao dự toán, chấp hành và kế toán, kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, nội dung chi, định mức chi, mức hỗ trợ và nguyên tắc thực hiện hỗ trợ quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan; Việc hỗ trợ căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực và định hướng ưu tiên hỗ trợ trong từng thời kỳ của ngân sách nhà nước hằng năm.
2- Đối với nguồn đóng góp, tài trợ: việc huy động, quản lý, thanh quyết toán kinh phí phải tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp có thỏa thuận với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về việc sử dụng khoản đóng góp, tài trợ chi trả cho phần ngân sách nhà nước hỗ trợ thì thực hiện theo đúng thỏa thuận.
3- Nguyên tắc xác định chi phí: Đối với nội dung chi có quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức tại các văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền ban hành: xác định chi phí theo đúng chế độ quy định; Đối với nội dung chi chưa có quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức: xác định chi phí căn cứ trường hợp cụ thể, tính chất, phạm vi và các yếu tố liên quan, có tham khảo chi phí tương tự đã thực hiện trong thời hạn 12 tháng (nếu có) tính đến thời điểm xác định chi phí.
4- Các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các nội dung hỗ trợ DNNVV chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này; tính hợp lý, hợp lệ, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng kinh phí; tính trung thực, chính xác, minh bạch, đầy đủ pháp lý của hồ sơ, chứng từ liên quan; thu, chi, hạch toán, quyết toán và lưu trữ hồ sơ theo đúng chế độ quy định.
Thông tư quy định cách xác định chi phí đào tạo về quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
- Thù lao giảng viên giảng dạy, thù lao báo cáo viên tham gia giảng dạy tại lớp học hoặc trình bày tại buổi thực tế: xác định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi là Thông tư số 36/2018/TT-BTC).
- Chi phí ăn, ở, đi lại của giảng viên, báo cáo viên, cán bộ tổ chức lớp; giải khát giữa giờ: xác định theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
- Chi phí ra đề thi, coi thi, chấm thi: xác định theo quy định tại khoản 4, điểm c khoản 8, khoản 10 Điều 8 Thông tư số 69/2021/TT-BTC ngày 11 tháng 8 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông.
- Chi phí tài liệu giảng dạy, tài liệu học tập bản điện tử: xác định theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
- Chi phí làm thêm giờ; xác định theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (sau đây gọi là Nghị định số 145/2020/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
- Các khoản chi phí theo thực tế (khảo sát, chiêu sinh; in ấn, photo, mua tài liệu học tập; thuê hội trường, phòng học, máy tính, máy chiếu, các thiết bị phục vụ học tập; mua, thuê đường truyền, công cụ, thiết bị đặc thù và thù lao nhân viên hỗ trợ kỹ thuật cho đào tạo trực tuyến; văn phòng phẩm; khai giảng, bế giảng; chi phí cho học viên thực hành; cấp chứng nhận cho học viên; điện, nước, vệ sinh, trông giữ xe, quay phim, chụp và lưu trữ ảnh tư liệu; thông tin liên lạc của cán bộ tổ chức lớp): xác định theo nguyên tắc tại điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
Trường hợp khoản chi liên quan đến nhiều khóa đào tạo (khảo sát, chiêu sinh, thông tin liên lạc; mua, thuê gói dịch vụ đường truyền, công cụ và thiết bị đặc thù theo thời gian cho đào tạo trực tuyến) thì phải thực hiện phân bổ chi phí cho từng khóa, theo tiêu chí phân bổ do đơn vị đào tạo xác định đảm bảo tính hợp lý của khoản chi.
- Chi hoạt động quản lý trực tiếp một khoá đào tạo của đơn vị đào tạo theo mức quy định tại điểm m khoản 2 Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC, được sửa đổi tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC (sau đây gọi là Thông tư số 06/2023/TT-BTC).
Xác định kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:
- Các cơ quan, đơn vị căn cứ tỷ lệ, định mức hỗ trợ đối với mỗi khóa đào tạo quy định tại Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP (trong đó hỗ trợ tối đa 100% chi phí tổ chức khóa đào tạo trực tuyến qua công cụ dạy học trực tuyến có sẵn) và tổng chi phí một khóa đào tạo (xác định theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này) để tính kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tổ chức khóa đào tạo.
- Học viên được hỗ trợ học phí theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ xác định căn cứ mức hỗ trợ học phí cho 01 học viên và số học viên thuộc đối tượng được hỗ trợ học phí.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 9 năm 2023. Bãi bỏ Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV và Thông tư số 54/2019/TT-BTC ngày 21 tháng 8 năm 2019 hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV đã được cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 49/2019/TT-BTC và Thông tư số 54/2019/TT-BTC trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa sử dụng thì được tiếp tục thực hiện theo dự toán đã phê duyệt; hoặc điều chỉnh lại theo nội dung và định mức chi quy định tại Thông tư này nhưng phải đảm bảo không vượt quá dự toán ngân sách đã giao. Khi các văn bản quy định dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo văn bản mới.

Xem thêm »