Hướng dẫn giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án

04/10/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-TNDTC hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thông tư áp dụng đối với: 
Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự, vụ án hành chính giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Cá nhân, pháp nhân được người quy định tại khoản 2 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
Người thi hành công vụ, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Nội dung của bản án có giải quyết yêu cầu bồi thường
Bản án hình sự, bản án hành chính giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải có các nội dung sau đây:
1. Tại phần thông tin về người tham gia tố tụng, ghi tư cách tham gia tố tụng của người có yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính.
2. Tại phần “NỘI DUNG VỤ ÁN”, trình bày thành đoạn riêng thể hiện đầy đủ nội dung yêu cầu của người có yêu cầu bồi thường.
3. Tại phần “NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN”, trình bày thành đoạn riêng về các vấn đề sau đây:
a) Trường hợp chấp nhận yêu cầu bồi thường thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, gây thiệt hại cho người yêu cầu và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; nội dung yêu cầu của người yêu cầu bồi thường; xác định nhũng thiệt hại đối với người yêu cầu bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra; tài liệu, chứng cứ đã đủ giải quyết yêu cầu bồi thường;
b) Trường hợp không chấp nhận yêu cầu bồi thường thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là không trái pháp luật, không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
c) Trường hợp tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ để giải quyết yêu cầu bồi thường.
4. Tại phần “QUYẾT ĐỊNH”, trình bày thành đoạn riêng về các vấn đề sau đây:
a) Trường hợp chấp nhận yêu cầu bồi thường thì ghi rõ chấp nhận yêu cầu bồi thường của người yêu cầu; xác định các loại thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường, phục hồi danh dự (nếu có); việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có); xác định cơ quan có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường, thực hiện phục hồi danh dự (nếu có), khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có); yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại và thu tiền hoàn trả; người yêu cầu bồi thường không phải nộp án phí, lệ phí và các loại phí khác đối với yêu cầu bồi thường;
b) Trường hợp không chấp nhận yêu cầu bồi thường thì ghi rõ không chấp nhận yêu cầu bồi thường của người yêu cầu; người yêu cầu bồi thường không phải nộp án phí, lệ phí và các loại phí khác đối với yêu cầu bồi thường;
c) Trường hợp tách yêu cầu bồi thường thì ghi rõ hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự; người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự.

Xem thêm »