Ngày 03/6 vừa qua, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Ban hành văn bản QPPL (Luật năm 2008) thay thế cho Luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật này năm 2002. So với Luật Ban hành văn bản QPPL hiện hành, Luật năm 2008 có một số điểm mới sau đậy.
Giảm bớt hình thức văn bản QPPL, bổ sung một số cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản
Luật hiện hành quy định Chính phủ có quyền ban hành văn bản QPPL dưới hình thức Nghị quyết, Nghị định; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quyền ban hành văn bản QPPL dưới hình thức quyết định, chỉ thị, thông tư.. .Nhưng theo Luật năm 2008, Chính phủ chỉ ban hành văn bản QPPL dưới một hình thức duy nhất là Nghị định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành dưới một hình thức Thông tư. Bên cạnh đó, Luật mới cũng bổ sung một số cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL như Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trước đó, Luật cũ không quy định cho Tổng Kiểm toán quyền này mà thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của Tổng Kiểm toán được quy định trong một văn bản khác. Cụ thể, hệ thống văn bản QPPL ở nước ta theo Luật năm 2008 gồm: Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
Đề cao vai trò của Trang tin điện tử đối với việc đăng tải các văn bản QPPL
Theo quy định của Luật năm 2008: Dự thảo Luật, Nghị quyết của Quốc hội và pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án, dự thảo phải được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Quốc hội.
Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải toàn văn trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản chậm nhất là hai ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành và phải đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước. (Điều 84)
Quy định rõ về việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự rút gọn
Theo Điều 75 của Luật, các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp hoặc cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành thì việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có thể được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn; trình Quốc hội việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn. Chủ tịch nước quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định như sau: Cơ quan chủ trì soạn thảo không nhất thiết phải thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập để soạn thảo mà có thể trực tiếp tổ chức việc soạn thảo; Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản; Cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định dự thảo văn bản ngay sau khi nhận được hồ sơ thẩm định; cơ quan thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra dự thảo văn bản ngay sau khi nhận được hồ sơ thẩm tra.
Việc thông qua văn bản trong trường hợp rút gọn cũng nhanh hơn, cụ thể: Quốc hội xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản tại một kỳ họp; Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản tại một phiên họp.
Sửa đổi một số quy định liên quan đến việc đăng Công báo
Theo Điều 78 của Luật, thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh thì có thể có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành nhưng phải được đăng ngay trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo chậm nhất sau hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.
Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo; văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các văn bản quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Trong thời hạn chậm nhất là hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi văn bản đến cơ quan Công báo để đăng Công báo.
Quy định mới về một số nội dung liên quan đến việc hợp nhất văn bản và pháp điển hoá
Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản quy phạm pháp luật được hợp nhất về mặt kỹ thuật với văn bản được sửa đổi, bổ sung. Việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.
Quy phạm pháp luật phải được rà soát, tập hợp, sắp xếp thành bộ pháp điển theo từng chủ đề. Việc pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.
Phạm Văn Dũng