Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa có hiệu lực: Tính nhân bản được đề cao

07/07/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Từ ngày 1/7/2008, một loạt đạo luật bắt đầu có hiệu lực như: Luật Hóa chất, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm... Trong số đó, hai đạo luật được xã hội đặc biệt quan tâm, vì có phạm vi điều chỉnh trực tiếp đến đời sống của người dân.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Chặn tay vũ phu, nghiêm trị “hoạn thư”

Ra đời với mục tiêu chặn đứng nạn bạo lực gia đình ngày càng gia tăng, những điều luật của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã sâu sát đến từng khía cạnh, từng “dáng vẻ” của bạo lực gia đình. Ngay từ Điều 2, các hành vi bạo lực gia đình đã được điểm mặt, gọi tên khá đầy đủ như: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cố lập, xua đuổi, gây áp lực về tâm lý, cưỡng ép quan hệ tình dục...Và, đặc biệt Luật cũng không dung tha cho bất kỳ hành vi bạo lực nào dù rằng xuất phát từ những gia đình của vợ chồng đã ly hôn, hoặc của nam nữ không đăng ký kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng.

Theo quy định của Luật, những “tác giả” của hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đưa vào trường giáo dưỡng (đối với người dưới 18 tuổi)... tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Nếu người có hành vi bạo lực là cán bộ, công chức, viên chức...,ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính sẽ bị thông báo về cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác để giáo dục.

Nạn nhân của nạn bạo lực gia đình sẽ được bảo vệ ở mức cao nhất thông qua các biện pháp tư vấn, chăm sóc tại cơ sở khám chữa bệnh, áp dụng các biện pháp cách ly với người bạo hành tại nhà, hay cơ sở tạm lánh...và có quyền gửi đơn khiếu nại, tố cáo những hành vi bạo lực tới cơ quan có thẩm quyền.

Để chuẩn bị cho thời điểm luật có hiệu lực, cũng như khẳng định tính trách nhiệm của toàn xã hội đối với nạn bạo lực gia đình đã được quy định trong Luật,  ngay từ đầu tháng 6/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị cho các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các biện pháp thi hành luật như tuyên truyền, phổ biến giáo dục về luật, tổ chức các lớp tập huấn, bố trí ngân sách đảm bảo kinh phí cho việc triển khai luật. Về phần mình, Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch và các Bộ ngành khác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý để sửa đổi, bổ sung , huỷ bỏ, ban hành mới các VBQPPL phù hợp, xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành luật và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình.

Hiện nay, Nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Theo nội dung Nghị định, các hành vi như cưỡng ép vợ xem phim sex, sinh hoạt tình dục, thường xuyên theo dõi chồng vì lý do ghen tuông, bắt các thành viên gia đình nhịn ăn, cách ly với đời sống xã hội...cũng sẽ bị xử phạt rất nặng, chứ không chỉ riêng gì hành vi đánh đập.

Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá: Người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi sát thực hơn.

            Vì người tiêu dùng là đối tượng thụ hưởng sau cùng và trực tiếp các sản phẩm hàng hoá, nên bên cạnh những quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà sản xuất,  kinh doanh, nhập khẩu đối với chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật không quên đề cập tới quyền và nghĩa vụ của chính người tiêu dùng các sản phẩm hàng hoá đó.

            Khi sử dụng sản phẩm hàng hoá, người tiêu dùng có quyền được nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cung cấp thông tin về mức độ an toàn, chất lượng, hướng dẫn vận chuyển, lưu giữ, bảo quản sử dụng...Nếu hàng hoá có khuyết tật, hỏng hóc trước khi sử dụng, người bán hàng phải có nghĩa vụ sửa chữa, hoàn lại, đổi hàng mới cho người tiêu dùng.

            Mọi thiệt hại do vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm hàng hoá như thiệt hại về giá trị, tính mạng, sức khoẻ, lợi ích gắn liền với việc sử dụng...đều phải được nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, người bán hàng bồi thường toàn bộ và kịp thời cho người tiêu dùng. Mức bồi thường do các bên thoả thuận hoặc theo phán quyết của Toà án, trọng tài.

            Tuy nhiên, Luật cũng quy định một số trường hợp mà nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, người bán hàng không phải bồi thường cho người tiêu dùng như: thiệt hại do lỗi phát sinh của người bán hàng (đối với nhà sản xuất, nhà nhập khẩu), sản phẩm hàng hoá có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền, người tiêu dùng sử dụng hàng hoá đã hết hạn sử dụng, đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện...

            Các vụ khởi kiện liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hoá sẽ được giải quyết theo thủ tục các vụ án hành chính.

Xuân Hoa

Xem thêm »