Đó là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định số 78/2008/NĐ-CP về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Nghị định này áp dụng đối với hoạt động hợp tác về pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế liên chính phủ và tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Hợp tác với nước ngoài về pháp luật bao gồm các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực: soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); Tổ chức thực hiện các văn bản QPPL và các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giám sát việc thi hành pháp luật; Tăng cường năng lực của các cơ quan xây dựng pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp; Đào tạo luật ở bậc đại học và sau đại học, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức soạn thảo văn bản QPPL, thẩm pháp, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án, trợ giúp viên trợ giúp pháp lý, cán bộ thi hành án hình sự, trọng tài viên, công chứng viên, đăng ký viên, luật sư và các chức danh tư pháp khác; Thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Hợp tác với nước ngoài về pháp luật được thực hiện dưới các hình thức như: ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, các chương trình, dự án hợp; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học, tập huấn chuyên sâu về pháp luật có sự tham gia hoặc tài trợ của cơ quan, tổ chức nước ngoài; Tổ chức các đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật; Trao đổi tài liệu pháp luật như: giáo trình, sách giáo khoa, bài giảng...; Cung cấp chuyên gia tư vấn.
Theo quy định, chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ phải được Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Nội dung thẩm định gồm: sự cần thiết của chương trình, dự án; Tính khả thi của chương trình, dự án; Hiệu quả kinh tế - xã hội; Tính hơp hiến, hợp pháp và sự tương thích của chương trình, dự án với các quy định của pháp luật Việt Nam; Không trùng lắp với chương trình, dự án khác...Thời gian thẩm định là 10 ngày làm việc, tính từ ngày Bộ Tư pháp nhận được Hồ sơ hợp lệ.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp tình hình, phân tích, đánh giá hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Hải Yến