Luật Bồi thường Nhà nước sẽ tạo cơ chế dân chủ hơn

25/10/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Vừa qua, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp đã cùng một số cơ quan tiến hành khảo sát thực hiện Nghị quyết (NQ) 388 về bồi thường oan sai trong lĩnh vực tố tụng ở một số địa phương trên cả nước. Đây là việc làm thiết thực nhằm tạo cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng Luật Bồi thường Nhà nước.

PGS. TS. Lê Hồng Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp đã trao đổi ý kiến về việc này.

* Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện NQ 388 sau chuyến khảo sát vừa qua?

- Khó có thể đưa ra trong cuộc trao đổi này những đánh giá đầy đủ về những gì chúng tôi thu được từ các cuộc khảo sát. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho phép đưa ra những kết luận sơ bộ sau đây:

Dù còn có những băn khoăn song về cơ bản các cơ quan tố tụng và cơ quan quản lý nhà nước, các cán bộ có thẩm quyền trong các cơ quan bảo vệ pháp luật đều khẳng định NQ 388 là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy cần có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các khâu trong toàn bộ quá trình điều tra, bắt giam, truy tố và xét xử. Thí dụ, nếu việc xử sai là hệ quả của việc điều tra không kỹ thì cơ quan xét xử hay cơ quan điều tra phải chịu trách nhiêm bồi thường.

Về cách thức bồi thường cần có các quy định toàn diện hơn bởi hiện tại còn có những điểm hết sức khó áp dụng. Thí dụ, giám đốc doanh nghiệp A bị xử sai thì đương nhiên cương vị giám đốc đó sẽ do người khác đảm nhiệm. Khi được minh oan, giám đốc đó có được phục hồi chức vụ giám đốc doanh nghiệp A nữa hay không? Nếu không thì xác định thiệt hại của người đó cân dựa trên nhưng cơ sở nào?

Khi khảo sát việc thực hiện NQ 388, chúng tôi đã dùng nhiều hình thức trong đó có phỏng vấn trực tiếp đương sự trong các vụ bồi thường. Họ đều cho rằng việc Nhà nước bồi thường thiệt hại cho những người bị oan, sai trong quá trình tố tụng là rất cần thiết.

Tuy nhiên, đa số những người được phỏng vấn đều cho rằng sự bồi thường và xin lỗi từ phía cơ quan nhà nước phải tương xứng với những gì mà những người bị oan, sai phải gánh chịu và cơ quan nhà nước cần thực hiện việc này một cách có trách nhiệm, không được chiếu lệ.

* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, NQ 388 cũng có hai mặt tác động, cả tích cực và tiêu cực?

- Đúng như vậy! NQ 388 tác động tích cực ở việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, đối với Đảng. Việc cơ quan nhà nước công khai xin lỗi dân vì những sai sót của mình, bồi thường thiệt hại về vật chất mà họ phải gánh chịu chứng tỏ Nhà nước tôn trọng dân hơn.

Những hành động bồi thường và xin lỗi này của cơ quan nhà nước sẽ thúc đẩy ý thức dân chủ của người dân, trách nhiệm của người dân trong việc củng cố và xây dựng Nhà nước, khắc phục tình trạng dân bàng quan, tránh né cơ quan nhà nước.

Tác động tích cực khác thể hiện ở việc nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. Với NQ 388, tình trạng oan, sai trong lĩnh vực tố tụng sẽ giảm và điều này đương nhiên cũng sẽ có tác động tương tự tới các lĩnh vực khác của quản lý hành chính nhà nước.

Về tác động tiêu cực của NQ 388, việc nhận diện chúng khó hơn. Song, nếu xem xét vấn đề một cách biện chứng thì có thể khẳng định là có. Một phần tác động tiêu cực này nằm ở những điểm bất cập của NQ, một phần nằm ở nhận thức của cán bộ, công chức nhà nước. Khi tiếp xúc với các cán bộ điều tra, các cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật, không ít người bức xúc cho rằng NQ 388 đã làm chùn ý chí kiên quyết tiến công tội phạm và tiêu cực xã hội.

Một cảnh sát điều tra tâm sự: Nếu trước đây ở trong nhiều trường hợp tương tự thì anh sẽ bắt kẻ tình nghi. Tuy nhiên khi có NQ 388, anh không bắt vì lỡ bắt sai mà phải bồi thường và phải chịu trách nhiệm thì chắc chắn với đồng lương của mình hiện tại, anh không thể nào bồi thường được. Cũng có những băn khoăn rằng cơ quan nhà nước, nhất là tòa án mà phải đi xin lỗi, đi bồi thường thì cái uy của cơ quan bảo vệ pháp luật không còn.

Những điều nói trên là thực tế khó phủ nhận và đó chính là tác động tiêu cực của NQ 388. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng những tác động đó có thể được giảm thiểu nếu như việc xin lỗi và bồi thường oan sai được thực hiện một cách minh bạch, công bằng và thành khẩn từ phía cơ quan nhà nước.

* Như vậy, NQ 388 vẫn còn nhiều hạn chế, theo ông, những hạn chế nào cần được khắc phục khi soạn thảo Luật Bồi thường Nhà nước?

- Hạn chế và bất cập của NQ 388 không ít, song tôi chỉ muốn nêu một vài điểm: Bất cập đầu tiên và là bất cập dễ nhận thấy nhất của NQ 388 là thời hạn bắt đầu có hiệu lực của nó. NQ không xác định thời hạn bắt đầu có hiệu lực và các cơ quan tố tụng lúng túng không biết cần áp dụng NQ từ thời điểm nào. NQ chưa giới hạn về mặt thời gian đối với việc thực hiện bồi thường oan sai trong hoạt động tố tụng.

Điều này có nghĩa là tất cả các vụ oan sai trước khi có NQ 388 đều phải được xem xét, xin lỗi và bồi thường. Nếu như vậy thì đây quả là công việc bất khả thi. Hệ thống hồ sơ lưu trữ không được bảo quản tốt, tình trạng thay đổi hệ thống cơ quan tố tụng diễn ra khá liên tục trong những năm trước đây khó có thể cho phép xác định được những tình tiết chứng minh cho tình trạng oan, sai của bản án hay quyết định của Tòa án.

...Một số khái niệm của NQ 388 chưa rõ. Thí dụ, khái niệm "oan" và "sai". Ranh giới giữa oan và sai là gì và mức độ bồi thường có khác nhau giữa oan và sai hay không? Khái niệm cũng được coi là cơ bản trong NQ 388 là "không thực hiện hành vi phạm tội" cũng khó được hiểu thống nhất nếu xét ở mục đích bồi thường thiệt hại.

Căn cứ bồi thường thiệt hại cũng chưa cụ thể để giúp cơ quan tố tụng thỏa thuận hay quyết định mức bồi thường một cách thấu tình đạt lý. Việc xin lỗi tại cơ quan của người bị oan, sai cần được tổ chức như thế nào? theo nghi thức gì và ai phải chịu trách nhiệm tổ chức?

Việc đăng báo xin lỗi cũng có những vướng mắc vì trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với việc đăng xin lỗi không được quy định. Những bất cập này đều có những minh chứng thực tiễn của chúng.

* Có phải chính vì những tác động to lớn cùng một số bất cập nêu trên của NQ 388 mà việc xây dựng và ban hành Luật Bồi thường Nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

- Khác với NQ 388 chỉ quy định việc bồi thường oan sai trong hoạt động tố tụng, Luật Bồi thương Nhà nước có phạm vi rộng hơn vì bao gồm cả hoạt động quản lý hành chính. Hoạt động tố tụng còn có sự giám sát của luật sư, của công luận, còn các quyết định quản lý hành chính thì được đưa ra từ văn phòng của các thủ trưởng cơ quan hành chính.

Luật Bồi thường Nhà nước có đối tượng và phạm vi điều chỉnh lớn hơn NQ 388. Đây là một luật rất cần thiết. Những số liệu thu được qua khảo sát cho thấy rằng tuyệt đại đa số những người được hỏi đều cho rằng cần thiết phải xây dựng Luật Bồi thường Nhà nước.

Trong số các cán bộ tiến hành tố tụng được hỏi thì có 93,49% cho rằng cần phải ban hành Luật Bồi thường Nhà nước. Con số này từ các đối tượng trực tiếp tiến hành việc bồi thường là 100%, từ Cán bộ công chức hành chính là 96,42%, từ luật sư là 92,59%.

Rõ ràng, xét từ nhiều góc độ, Luật Bồi thường Nhà nước được ủng hộ rộng rãi, đặc biệt là từ phía những người phải chịu tác động lớn nhất của luật này là những người tiến hành tố tụng, các công chức nhà nước có thẩm quyền ra các quyết định hành chính. Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng việc ban hành Luật Bồi thường sẽ gặp nhiều khó khăn vì tính phức tạp và nhạy cảm của nó.

Chính sự khó khăn và nhạy cảm này nên việc soạn thảo Luật cần được tiến hành với quy trình được đổi mới, tức là thu hút thực sự sự tham gia của nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học và nhà hoạt động thực tiễn. Chắc chắn Luật Bồi thường Nhà nước sẽ làm cho Nhà nước của chúng ta "pháp quyền" hơn và thực sự dân chủ hơn.

* Xin cám ơn ông!

(Pháp luật Việt Nam)

Xem thêm »