Phát biểu khai mạc tại Lễ Tổng kết, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư ban chấp hành Trung ương Đoàn đã thông tin đến các đại biểu kết quả tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật trong đoàn viên thanh niên”. Đây là Cuộc thi đầu tiên được Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức theo hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng di động Thanh niên Việt Nam. Cuộc thi được tổ chức nhằm trang bị cho đoàn viên, thanh niên các kiến thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giúp đoàn viên, thanh niên tìm hiểu kỹ hơn về một số chủ trương, chính sách liên quan tới thanh thiếu nhi. Đây cũng là hoạt hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024. Thông qua hình thức tổ chức Cuộc thi, Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh đã hiện thực hóa nhiệm vụ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số trong công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên, hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật đoàn viên, hội viên và thanh niên. Đồng thời, cung cấp kiến thức pháp luật mới ban hành, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống, xây dựng thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội. Cuộc thi được phát động từ ngày 22/7/2024 đến ngày 26/10/2024, với 12 tuần thi, sau hơn 03 tháng phát động, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của 647.094 lượt đoàn viên, thanh niên dự thi, với 217.606 thí sinh tham gia.
Tại Lễ tổng kết, các đại biểu đã được nghe các diễn giả là các chuyên gia uy tín trong công tác giáo dục pháp luật trao đổi, thảo luận về chủ đề giáo dục, phổ biến pháp luật tới thế hệ trẻ, làm thế nào để thế hệ trẻ thực sự trở thành lực lượng tiên phong, đi đầu, nắm vững pháp luật hay thế hệ trẻ ngày nay đã thực sự quan tâm đến vấn đề luật pháp hay chưa? Các chuyên gia tham dự diễn đàn có: Tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Đồng chí Huỳnh Thị Kim Ngân, Bí Thư Thành đoàn Châu Đốc, Tỉnh An Giang, Đồng chí Nguyễn Phước Khang, đoàn viên Chi đoàn ấp 2, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Tại diễn đàn, Tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa đã trao đổi với các đoàn viên, thanh niên về vị trí, tầm quan trọng của công tác giáo dục, phổ biến pháp luật trong đời sống hiện nay, đặc biệt là việc giáo dục, phổ biến pháp luật trong đoàn viên, thanh niên, tinh thần của Ngày Pháp luật Việt Nam và các giải pháp để thượng tôn pháp luật được hiện thực hóa trong đời sống xã hội.
Theo đó, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa khẳng định công tác PBGDPL có vai trò quan trọng và đặc biệt quan trọng đối với thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn phát triển của Đất nước trong kỷ nguyên mới với 03 vai trò quan trọng: (i) công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định là công tác gắn bó chặt chẽ trong toàn bộ quá trình xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ trang bị cho người dân nói chung và thanh niên nói riêng kiến thức pháp luật giúp từng bước mở rộng, làm sâu sắc hơn tri thức pháp luật; từ biết đến hiểu, tin và tuân thủ pháp luật; giúp các đoàn viên, thanh niên áp dụng các quy định pháp luật trong các tình huống pháp luật cụ thể của cuộc sống; (ii) Góp phần xây dựng ý thức pháp luật, tạo thói quen trong tìm hiểu pháp luật, chấp hành pháp luật trong lực lượng thanh niên, hình thành văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội; xây dựng, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật; (iii) công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khi được triển khai sâu rộng sẽ giúp bảo đảm quyền con người, quyền công dân, giúp các đoàn viên, thanh niên hiểu biết pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và biết tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác trong xã hội cũng như hạn chế, phòng ngừa các hành vi vi pháp pháp luật…
Ngày 9 tháng 11 được chọn là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có ý nghĩa trọng đại, mang tính biểu tượng sâu sắc, đây là ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, Hiến pháp năm 1946. Điều này được ghi nhận trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, khẳng định giá trị, vai trò của Hiến pháp, pháp luật đối với đời sống xã hội, lan tỏa tinh thần dân chủ - pháp quyền, ý thức chấp hành pháp luật, nhắc nhở chúng ta sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng, cũng như ý thức tự giác, chủ động trong tìm hiểu, chấp hành pháp luật của mọi công dân nhằm tránh rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật; đồng thời, là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân. Với tinh thần đó, lực lượng thanh niên Việt nam những chủ nhân tương lai của Đất nước cần gương mẫu trong việc tìm hiểu, tuân thủ nghiêm pháp luật, vì quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi thanh niên nên là một tuyên truyền viên pháp luật, với sứ mệnh đó, trước hết mang pháp luật đến với người thân, bạn bè,nhà trường và xã hội; hãy phát huy sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, trong các đợt thanh niên tình nguyện, những hoạt động PBGDPL thiết thực để ánh sáng PL tới những nơi còn gọi là vùng trũng về pháp luật, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, những trẻ em và những người có hoàn cảnh thiệt thòi trong xã hội…để tinh thần ngày pháp luật được lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, các đoàn viên, thanh niên hãy luôn tràn đầy nhiệt huyết, ước mơ, khát vọng và cống hiến, mỗi đoàn viên thanh niên hãy là nhân tố quan trọng lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Để thượng tôn pháp luật được hiện thực hóa trong đời sống xã hội, các tổ chức Đoàn cần: (i) Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tính gương mẫu của thanh niên trong tự giác tìm hiểu pháp luật và tuân thủ pháp luật, xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật trong xã hội. (ii) Bám sát vào chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước, yêu cầu từ thực tiễn để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức trẻ, nhiệt huyết, sự sáng tạo và cống hiến của đối tượng này; (iii) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định là công tác gắn bó chặt chẽ trong toàn bộ quá trình xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật. Do đó, cần phát huy hơn nữa sự tham gia của lực lượng thanh niên vào công tác góp ý, xây dựng, hoàn thiện thể chế, truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đối với đời sống xã hội; (iv) Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, đổi mới trong tư duy, nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện; bên cạnh các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống có hiệu quả, phát huy sự sáng tạo của thanh niên trong đề xuất các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác này; cần xác định các vùng trũng về pháp luật, những địa bàn, nhóm đối tượng thanh niên có nhiều vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật; nhóm đối tượng có nhiều thiệt thòi trong xã hội để có các giải pháp trọng tâm trọng điểm. Thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quyết liệt hơn; (v) Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác đoàn, trong đó có nhiệm vụ thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; đội ngũ vững vàng về tư tưởng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng, phương pháp thực hiện công tác này. Đây cũng chính là đội ngũ có khả năng dẫn dắt, truyền cảm hứng về lối sống đẹp, sống tích cực và lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật ngày càng sâu rộng hơn trong giới trẻ và toàn xã hội; (VI) tổ chức thực hiện tốt Luật thanh niên, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, các chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật
Căn cứ kết quả các tuần thi, Ban Tổ chức đã tổng kết và quyết định trao giải thưởng giành cho các thí sinh xuất sắc tại Cuộc thi với 04 hạng mục:
1. Giải thưởng tuần: dành cho 03 thí sinh có điểm cao nhất mỗi tuần thi với giải thưởng trị giá 500.000 đồng/thí sinh.
2. Giải thưởng chặng: dành cho 03 thí sinh có tổng số điểm các tuần thi cao nhất, với thời gian nhanh nhất sẽ giành giải thưởng chặng trị giá: 3.000.000 đồng/thí sinh.
3. Giải chung cuộc: dành cho 03 thí sinh có tổng số điểm 12 tuần thi cao nhất, với thời gian nhanh nhất sẽ giành được giải thưởng chung cuộc trị giá như sau:
- Thí sinh cao điểm nhất với thời gian nhanh nhất sẽ nhận giải thưởng trị giá 10.000.000 đồng
- Thí sinh cao điểm thứ hai với thời gian nhanh thứ hai sẽ nhận giải thưởng trị giá 8.000.000 đồng
- Thí sinh cao điểm thứ ba với thời gian nhanh thứ ba sẽ nhận giải thưởng trị giá 5.000.000 đồng
4. Giải dành cho các cơ sở Đoàn dành cho:
- 01 Đoàn cấp tỉnh có số đoàn viên, thanh niên tham gia nhiều nhất: Giải thưởng trị giá 5.000.000 đồng.
- 01 Đoàn cấp tỉnh có tỷ lệ đoàn viên, thanh niên tham gia nhiều nhất: Giải thưởng trị giá 5.000.000 đồng./.