Phát huy vai trò của tủ sách pháp luật trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

24/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 23/12/2024, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật (TSPL) nhằm đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, đề ra định hướng, giải pháp cho việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL trong những năm tiếp theo. Đồng chí Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo.

Một số kết quả đã đạt được trong việc xây dựng, quản lý, khai thác thủ sách pháp luật
Nhìn chung, những kết quả đạt được sau 05 năm triển khai thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về sự phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hiện nay, thúc đẩy các cán bộ, công chức, viên chức và người dân tìm hiểu và khai thác tài liệu pháp luật qua Internet. TSPL là thiết chế cung cấp thông tin pháp luật (sách, báo, tài liệu pháp luật) để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu pháp luật ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân; một phương thức quan trọng giúp đẩy mạnh hoạt động PBGDPL.
Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hiện cả nước có 1.722 TSPL tại xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo (gọi chung là xã đặc biệt khó khăn); có 8.511 TSPL xây dựng theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg tiếp tục duy trì; trong lực lượng quân đội, công an có hơn 9.329 TSPL. Phần lớn TSPL ở xã được đặt tại Phòng Tiếp công dân của UBND xã, phòng thủ tục hành chính “một cửa”, văn phòng,... Một số nơi như tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, TSPL được bố trí tại công viên văn hóa, các điểm chùa giúp người dân có thể dễ dàng mượn đọc để tìm hiểu hoặc khi có dịp lễ, họp dân. Tại tỉnh Đồng Tháp, một số TSPL được đặt tại Ban nhân dân khóm, ấp, nhà văn hóa, các Câu lạc bộ hòa giải, một số Hội quán.
Đồng chí Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục PBGDPL,
Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo

Tại các cơ quan đơn vị của lực lượng vũ trang, việc triển khai xây dựng và đưa TSPL vào quản lý khai thác bảo đảm đúng quy định. Trong lực lượng quân đội nhân dân, TSPL được xây dựng ở cấp đại đội độc lập, tiểu đoàn và tương đương trở lên nhằm phục vụ nhu cầu học tập, tìm hiểu pháp luật; TSPL cơ quan, đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên phục vụ nhu cầu nghiên cứu, áp dụng pháp luật. Hiện toàn quân xây dựng được 6.029 TSPL với hàng triệu đầu sách, báo, tài liệu các loại. Trong lực lượng Công an nhân dân, Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng hơn 3.300 TSPL với hơn 80.000 đầu sách, đồng thời đã kịp thời, thường xuyên bổ sung sách, tài liệu pháp luật mới; bảo đảm bổ sung các sách, tài liệu pháp luật có chất lượng, thiết thực, nội dung phù hợp với nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ, chú trọng sách hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giải đáp pháp luật.
Nhằm tăng cường phối hợp, trao đổi, làm phong phú thêm nguồn sách, tăng hiệu quả hoạt động của TSPL, phục vụ tốt hơn cán bộ, Nhân dân, bên cạnh việc thường xuyên bổ sung, khai thác thông tin, phổ biến, giới thiệu các tài liệu sách, báo pháp luật..., việc luân chuyển sách, tài liệu pháp luật được các địa phương tiếp tục triển khai, đem lại hiệu quả thiết thực, làm tăng thêm sự đa dạng, phong phú cho các tủ sách, phát huy tối đa việc khai thác sử dụng TSPL.
Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tổ chức quản lý, khai thác sử dụng tủ sách pháp luật đã được các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu triển khai và thực hiện có hiệu quả. Ngoài TSPL theo quy định tại Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg, các địa phương đã tìm tòi, phát triển nhiều mô hình Tủ sách/ngăn sách pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và tên gọi khác nhau như: “Quán cà phê pháp luật”, mô hình TSPL trong các nhà thờ, họ đạo tại thành phố Cần Thơ; mô hình “Mang sách đến từng thôn, xóm” trong các đợt huấn luyện dã ngoại kết hợp với hoạt động lao động giúp nhân dân (Bình Thuận); mô hình “TSPL” tại điểm chùa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng; mô hình “Thư viện pháp luật” tại các Văn phòng khu phố và trường học ở Phường 1, thành phố Tây Ninh; xây dựng và duy trì Trang “TSPL điện tử Công an tỉnh Tây Ninh”; mô hình “Góc Thư giãn”, “Không gian đọc” tại tỉnh Đồng Tháp; mô hình “xây dựng TSPL” tại Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm huy động nguồn sách tự nguyện từ các chiến sĩ công an và các nguồn tài trợ khác;… Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân, một số địa phương đã có cách làm hay như: Tổ chức Hội nghị giới thiệu sách; giới thiệu vai trò, ý nghĩa của TSPL và phổ biến một số quy định pháp luật;…..
Về kinh phí xây dựng, quản lý TSPL, hàng năm, các địa phương đều dành một khoản ngân sách nhất định từ nguồn kinh phí thường xuyên để bổ sung sách, báo, tạp chí, ấn phẩm hoặc bổ sung các loại sách, tài liệu do cấp trên phát hành cho TSPL. Ngoài việc sử dụng ngân sách nhà nước để duy trì TSPL cấp xã, một số địa phương đã có chủ trương xã hội hóa việc xây dựng, quản lý TSPL, thực hiện huy động nguồn đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đoàn thể... về tiền và sách pháp luật để bổ sung đầu sách cho tủ sách, góp phần giảm bớt khó khăn về kinh phí đầu tư cho tủ sách (Đồng Tháp); một số địa phương báo cáo chưa thực hiện được việc huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng, quản lý, khai thác TSPL (Bình Định, Nam Định, Trà Vinh).
Những khó khăn trong triển khai xây dưng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, triển khai TSPL tại các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Chất lượng sách, báo, tài liệu pháp luật trong một số TSPL chưa thực sự phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người đọc. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật nhiều, thường xuyên sửa đổi, bổ sung nên việc rà soát, cập nhật, bổ sung chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; số lượng đầu sách bổ sung hằng năm ít; đầu sách chưa đa dạng, phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu bạn đọc; một số nơi, hiệu quả hoạt động của TSPL thấp.
Việc khai thác, sử dụng TSPL của cán bộ, công chức là chủ yếu, song cũng giảm đáng kể so với trước đây; tỷ lệ người dân đến đọc, mượn ở mỗi tủ sách rất ít, hầu như không có người đến đọc, mượn sách.
Một số đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Về kinh phí, mặc dù Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg quy định mức chi cho mỗi TSPL cấp xã tối thiểu là 03 triệu đồng/năm, nhưng trên thực tế kinh phí dành cho TSPL còn rất hạn chế bởi nhiều lý do, trong đó có khó khăn về nguồn thu ngân sách xã.
TSPL điện tử đã được Bộ Tư pháp xây dựng theo hướng tích hợp với Cổng thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, nhưng hiện nay, dữ liệu trong tủ sách chưa nhiều, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng/trang thông tin PBGDPL của bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, việc khảo sát nhu cầu của người dân về sách pháp luật chưa được triển khai thực hiện, dẫn đến tình trạng TSPL còn thiếu những loại văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân như chính sách đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, giá đất đai, khiếu nại, tố cáo...v.v. Khi người dân cần ở TSPL thì không có, trong khi đó họ có thể đi tìm ở các hiệu sách bên ngoài một cách dễ dàng hơn. Tâm lý của người dân là đến một lần không có, lần sau sẽ không đến nữa…
Những giải pháp đề xuất
Tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định mặc dù còn một số hạn chế, vướng mắc trong công tác triển khai trên thực tế, tuy nhiên TSPL đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác PBGDPL tại cơ sở, đặc biệt là tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của TSPL trong thời gian tới, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra một số giải pháp, đề xuất sau:
Tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương về vị trí, vai trò và ý nghĩa của TSPL trong thực thi công vụ, quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh bằng pháp luật, nhất là trong công tác PBGDPL; phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL trong chỉ đạo công tác PBGDPL nói chung và xây dựng, quản lý, khai thác TSPL nói riêng; tăng cường chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Tiếp tục rà soát, củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác TSPL hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm.
Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội và sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc xây dựng, phát triển mô hình TSPL đang được khai thác, sử dụng hiệu quả ở cơ sở và tại cộng đồng dân cư.
Thường xuyên thông tin, phổ biến về TSPL, tổ chức các hoạt động (triển lãm, giới thiệu sách, tài liệu pháp luật...) vào dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày Pháp luật Việt Nam (11/9)... để thu hút cán bộ, công chức, chiến sĩ và người dân quan tâm, hình thành thói quen đọc sách, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua việc đọc sách, báo, tài liệu pháp luật để việc khai thác, sử dụng TSPL thực sự trở thành một kênh PBGDPL hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Xây dựng, hoàn thiện TSPL điện tử khai thác, kết nối trong cả nước; tăng cường trang bị máy tính, kết nối internet cho chính quyền cấp xã... để ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, sử dụng TSPL, nhất là sử dụng phần mềm TSPL điện tử, kết nối với cơ sở dữ liệu pháp luật, Trang tin điện tử của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện để cán bộ, Nhân dân khai thác TSPL một cách dễ dàng, thuận tiện.
Xây dựng các loại hình TSPL cụ thể (mô hình mẫu), phù hợp trong giai đoạn tới với cơ chế quản lý, khai thác linh hoạt. Trên cơ sở đó, địa phương, cơ quan, đơn vị tự lựa chọn mô hình TSPL phù hợp với điều kiện, nhu cầu, đặc thù của địa phương, cơ quan, đơn vị..../.
Lê Hồng Hạnh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »