Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In
Gửi email
Đẩy mạnh xây dựng mô hình Tủ sách pháp luật gắn với công tác dân vậnTủ sách pháp luật (TSPL) được xác định là thiết chế cung cấp thông tin pháp luật (sách, báo, tài liệu pháp luật) để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu pháp luật ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân. TSPL đã trở thành một phương thức quan trọng giúp đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), gắn với công tác dân vận, hướng về cơ sở.Có thể thấy, một trong những nội dung, mục tiêu quan trọng của công tác dân vận là đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tế cuộc sống được người dân tin tưởng, chấp hành. Mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước muốn được nhân dân nhất trí, tin tưởng, quyết tâm thực hiện tốt đều phụ thuộc vào công tác dân vận tốt hay kém. Nhiệm vụ của công tác dân vận là phải đưa nó vào cuộc sống, biến thành hành động cách mạng sôi nổi, tự giác của các tầng lớp nhân dân, giải quyết các vấn đề thực tiễn đem lại lợi ích cho nhân dân. Để đạt được mục tiêu này thì nhiệm vụ trước hết là phải khiến người dân cần phải hiểu và nắm rõ các quy định này. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này, dân rất tốt, lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết phải chịu khó tìm đủ mọi cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà họ phải làm" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr.246). Trong việc thực hiện nhiệm vụ này, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giữ vai trò hết sức quan trọng.
Kể từ khi Nghị quyết số 25-NQ/TW được ban hành, trong đó đặt ra nhiệm vụ cần đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, với sự nỗ lực và cố gắng của các cấp, các ngành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua đã có bước chuyển biến nhất định và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến mới trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai và có đóng góp quan trọng trong công tác dân vận. Hình thức PBGDPL được đa dạng hóa, sát với nội dung, đối tượng, địa bàn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó phải kể đến mô hình Tủ sách pháp luật.
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL thay thế Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010, trong đó, Thủ tướng Chính phủ xác định hai nhiệm vụ chính: (i) Xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; (ii) Đẩy mạnh thực hiện quản lý, khai thác thống nhất sách, tài liệu pháp luật trong các thiết chế văn hóa – thông tin ở cơ sở với định hướng giao các địa phương chủ động sáp nhật TSPL cấp xã với Thư viện hoặc điểm Bưu điện – Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng hiện có và đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn cấp xã. Với hai định hướng lớn này, Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả PBGDPL tại cơ sở thông qua các thiết chế văn hóa – thông tin theo hướng tiết kiệm và tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng khai thác và sử dụng.
Những định hướng quản lý, khai thác TSPL trong Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg cũng phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong hoạt động PBGDPL. Cụ thể, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân đã nêu rõ “triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở”. Đây cũng là trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 về triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, giao các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện “lồng ghép, phát huy vai trò hỗ trợ của các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, thông tin tham gia PBGDPL ở cơ sở” trong công tác PBGDPL.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý của Bộ Tư pháp, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có 1.722 TSPL tại xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo (gọi chung là xã đặc biệt khó khăn); có 8.511 TSPL xây dựng theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg tiếp tục được duy trì; trong lực lượng quân đội, công an có hơn 9.329 TSPL với hàng triệu đầu sách, báo, tài liệu các loại. Các hình thức khai thác, sử dụng chủ yếu là đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà; những nơi có máy tính, tủ sách điện tử, kết nối internet, có thêm hình thức tra cứu sách, tài liệu qua mạng internet, cổng/trang thông tin điện tử, phần mềm văn bản pháp luật.
Nhằm tăng cường phối hợp, trao đổi, làm phong phú thêm nguồn sách, tăng hiệu quả hoạt động của Tủ sách, phục vụ tốt hơn cán bộ, Nhân dân, bên cạnh việc thường xuyên, kịp thời bổ sung các tài liệu sách, báo..., việc luân chuyển sách, tài liệu được các địa phương tiếp tục triển khai, đem lại hiệu quả thiết thực, làm tăng thêm sự đa dạng, phong phú cho các tủ sách, phát huy tối đa việc khai thác sử dụng tủ sách[1].
Giới thiệu mô hình tủ sách dòng họ tại thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương
Ngoài mô hình TSPL cấp xã và TSPL ở cơ quan, đơn vị theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg, các địa phương đã tìm tòi, phát triển nhiều mô hình Tủ sách/ngăn sách pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và tên gọi khác nhau như: “Quán cà phê pháp luật”, mô hình TSPL trong các nhà thờ, họ đạo tại thành phố Cần Thơ; mô hình “Mang sách đến từng thôn, xóm” trong các đợt huấn luyện dã ngoại kết hợp với hoạt động lao động giúp nhân dân (Bình Thuận); mô hình “Tủ sách pháp luật” tại điểm chùa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng; mô hình “Thư viện pháp luật” tại các Văn phòng khu phố và trường học ở Phường 1, thành phố Tây Ninh; xây dựng và duy trì Trang “Tủ sách pháp luật điện tử Công an tỉnh Tây Ninh”; mô hình “Góc Thư giãn”, “Không gian đọc” tại tỉnh Đồng Tháp; mô hình “xây dựng tủ sách pháp luật” tại Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm huy động nguồn sách tự nguyện từ các chiến sĩ công an và các nguồn tài trợ khác; mô hình “Chuyến xe tri thức” của Trường TH&THCS A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã cung cấp sách, báo, văn bản pháp luật đến người dân và học sinh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó có điều kiện tiếp cận kiến thức pháp luật; mô hình trang bị các giỏ sách pháp luật tại các Chi hội thanh niên trên địa bàn phường để thường xuyên cập nhật và cung cấp tờ rơi để người dân, thanh niên trong khu trọ đọc; tạo mã QR để dán tại các Chi hội thanh niên công nhân (Bình Dương); mô hình “Túi sách pháp luật” cho các tổ hòa giải ở cơ sở[2]; hay một số địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Phú Thọ đang áp dụng triển khai việc bố trí sách, báo, tài liệu pháp luật đến các nhà văn hóa thôn, bản để hướng tới xây dựng các “Tủ sách cộng đồng”... Đây đều là những mô hình TSPL xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện của từng địa bàn và thuận lợi, dễ dàng trong việc tiếp cận nên được người dân quan tâm, hưởng ứng.
Trong lực lượng quân đội có mô hình “Tủ sách pháp luật lưu động”; “Hộp sách thao trường”; “Túi sách pháp luật”; xây dựng phòng đọc biên giới[1]; “Mỗi người góp một cuốn sách pháp luật cho tủ sách”, “Cà phê sách”, phần mềm “Thượng tôn pháp luật” và hệ thống Elearning của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn; Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) đã xây dựng phần mềm tiếng Việt “Hệ thống Trợ lý ảo pháp luật” cho phép người dùng hỏi đáp thông tin, tra cứu đến toàn bộ văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành...
Trong lực lượng công an có mô hình “Tủ sách hướng thiện” tại công an tỉnh Yên Bái, thành phố Cần Thơ, Trại giam Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, Trại giam và Ban thanh niên, Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an tỉnh Nghệ An. Qua triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức về văn hóa, xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành kỷ luật, tu dưỡng đạo đức, lòng nhân đạo, hướng thiện, giúp phạm nhân dần xây dựng lối sống tích cực, trở thành công dân tốt khi tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, mô hình “Thư viện cho em” của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An xây dựng, duy trì từ năm 2023 đến nay đã tặng hàng trăm cuốn sách, tài liệu, tờ rơi pháp luật tại các xã biên giới, vùng sâu vùng xa cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với pháp luật và thông tin chính sách pháp luật...
Để tiếp tục phát huy vai trò của TSPL trong công tác dân vận trong thời gian tới, có một số đề xuất giải pháp như sau:
- Thứ nhất, tổ chức triển khai TSPL phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân tại cơ sở: chuyển đổi thành TSPL dòng họ, thôn, bản...
Đối với TSPL tại xã đặc biệt khó khăn, chuyển hướng chú trọng phục vụ đối tượng phục vụ nhân dân sinh sống ở cơ sở. Đối với TSPL ở cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, tiếp tục duy trì đối tượng phục vụ là cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.
- Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội và sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc cung cấp sách, báo, tài liệu pháp luật mới cho TSPL; xây dựng, phát triển mô hình, cách làm hay đang được khai thác, sử dụng hiệu quả ở cơ sở và tại cộng đồng dân cư.
- Thứ ba, trong thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành được giao quản lý các thiết chế thông tin, văn hóa, giáo dục, chính trị tại cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) cần phối hợp với Bộ Tư pháp để thống nhất hướng dẫn đầu mối quản lý TSPL để làm căn cứ cho địa phương triển khai có hiệu quả trên thực tế./.
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1] Tại phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang
[1] Từ năm 2019-2023, Thư viện tỉnh Phú Yên đã thực hiện luân chuyển 22.900 bản sách và 08 đĩa sách đến các điểm đọc sách cơ sở
[2] Huyện Bến Lức, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An