Những thành tựu và thách thức sau 03 năm thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

03/01/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Sau 03 năm triển khai, công tác này đã đạt được những kết quả nổi bật, đồng thời cũng tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Đoàn kiểm tra, khảo sát công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.

Sau 03 năm thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg là quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân được bảo đảm ngay từ cơ sở. Theo số liệu thống kê từ báo cáo của các địa phương, tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận 94% (năm 2022 có 10.073/10.743 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 93.8%; năm 2023, có 10.188/10.671 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn TCPL, đạt tỷ lệ 94.7%). Việc thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg đã cho thấy trách nhiệm của chính quyền và cán bộ, công chức cấp xã trong tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật hướng tới xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh cho người dân tại cơ sở tiếp tục tăng cường. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện công khai thông tin theo quy định tại Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin. Các cơ quan nhà nước đã tiến hành cung cấp 2.015.727 thông tin cho người dân, trong đó: 962.060 thông tin được cung cấp trực tiếp tại trụ sở cơ quan; 720.147 thông tin được cung cấp qua mạng điện tử; 333.520 thông tin được cung cấp qua dịch vụ bưu chính, fax. Tại một số địa phương như: Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thái Nguyên..., 100% các cơ quan, đơn vị đã ban hành Quy chế cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị... Với nhiều mô hình, hình thức thông tin, PBGDPL được triển khai hiệu quả trên toàn quốc.
Việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công khai thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, và trợ giúp pháp lý đều được kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2021-2023, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã trên cả nước đã ban hành 5.415 văn bản quy phạm pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được chính quyền cấp xã quan tâm thực hiện, cả nước có 154.889 tuyên truyền viên pháp luật. Năm 2023, các xã, phường, thị trấn trên cả nước đã tổ chức 185.330 cuộc PBGDPL trực tiếp cho lượt 12.017.831 người tham gia; tổ chức 4.560 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với sự tham gia của 385.309 lượt người tham gia. Công tác hòa giải ở cơ sở đã được các cấp chính quyền quan tâm hơn, tỷ lệ hòa giải thành ngày một tăng, năm 2021 tỷ lệ hòa giải thành đạt 80.5%[1]; năm 2022 tỷ lệ hòa giải thành đạt 82.7%[2] và năm 2023 tỷ lệ hòa giải thành đạt 85.1%[3]. Các Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở tại địa phương để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người thuộc diện trợ giúp pháp lý.
Việc tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân hàng năm được chính quyền cấp xã thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật. Công tác tiếp công dân, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo được chính quyền cấp xã làm tốt, kịp thời giải quyết những thắc mắc, khiếu kiện của công dân, không để tồn trọng, hạn chế khiếu kiện vượt cấp.
Công chức Bộ Tư pháp trao đổi, thảo luận với đại biểu tại Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, vẫn còn những thách thức và hạn chế cụ thể: Về thể chế, một số quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP còn vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn. Các quy định chưa bảo đảm tính thống nhất với các văn bản mới ban hành, gây lúng túng cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Thời điểm tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng chưa phù hợp, gây khó khăn trong việc tổng hợp thông tin, số liệu. Còn một số địa phương chưa nhận thức và quan tâm đúng mức tới công tác chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chưa phân công công chức theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật, dẫn đến việc đánh giá còn mang tính hình thức; chưa chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn bảo đảm triển khai đồng bộ công tác đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; công tác kiểm tra chưa triệt để, chưa có biện pháp xử lý đối với những đơn vị thực hiện không nghiêm túc các quy định về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Nguồn lực, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho cơ quan Tư pháp các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều địa phương chưa được bố trí kinh phí riêng, phải sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoặc lồng ghép với các hoạt động chuyên môn khác.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện tốt hơn Quyết định số 25/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, cần quan tâm triển khai những nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và các văn bản liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần đáp ứng tính khả thi, khoa học, gắn với bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân tại cơ sở.
2. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
3. Chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật cho công chức được giao tham mưu, theo dõi thực hiện nhiệm vụ.
4. Nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, trợ giúp viên pháp lý.
5. Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất; huy động và sử dụng nguồn lực thực hiện các nội dung, tiêu chí tiếp cận pháp luật một cách hiệu quả. Huy động các nguồn lực theo hướng lồng ghép thực hiện nhiệm vụ có liên quan từ các chương trình, đề án khác của trung ương, địa phương, đặc biệt nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia.
6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trọng tâm là xây dựng phần mềm đánh giá gắn với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư công./.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Năm 2021, các tổ hòa giải trên cả nước tiếp nhận và tiến hành hòa giải khoảng 110.396 vụ việc, hòa giải thành 88.922 vụ việc.
[2] Năm 2022, các tổ hòa giải trên cả nước tiếp nhận và tiến hành hòa giải khoảng 114.887 vụ việc, hòa giải thành 95.022 vụ việc.
[3] Năm 2024, các tổ hòa giải trên cả nước tiếp nhận và tiến hành hòa giải khoảng 106.419 vụ việc, hòa giải thành 90.594.

Xem thêm »