Tổ chức thành công Đại hội Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp nhiệm kỳ 2025 – 2030

07/01/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 07/01/2025, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025 – 2030 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Đại hội có sự tham dự của gần 100 hội viên và khách mời, trong đó có sự góp mặt của nhiều vị khách quý như: Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Đồng chí Nguyễn Trung Tụng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp; Đồng chí Phan Đức Hiếu Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khoá XV;… cùng nhiều đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp và tổ chức đại diện doanh nghiệp.
Đại hội đã xem xét thông qua việc đổi tên Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp thành Hiệp hội pháp chế doanh nghiệp Việt Nam và thông qua Điều lệ Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam.
Đại hội đã hiệp thương dân chủ và bầu ra Ban Chấp hành Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam nhiệm kỳ 2025 – 2030 gồm 27 người, Ban Kiểm tra gồm 3 người đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn.
Ngay sau đó, Ban Chấp hành đã họp phiên đầu tiên bầu Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo Hiệp hội, cụ thể như sau:
- Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ IV, Luật sư, Nguyên Vụ trưởng, Bộ Tư pháp - Chủ tịch
- Bà Ngô Quỳnh Hoa, TS, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp - Phó Chủ tịch
- Ông Dương Đăng Huệ, PGS.TS, Luật sư, Phó Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ IV, Nguyên Vụ trưởng, Bộ Tư pháp - Phó Chủ tịch
- Ông Tô Hoài Nam, TS. Phó Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ IV, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký - Phó Chủ tịch
- Ông Lê Đình Vinh, TS. Luật sư, Phó Chủ nhiệm nhiệm kỳ IV, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink - Phó Chủ tịch
- Ông Thân Đức Việt, Ủy viên Ban chủ nhiệm nhiệm kỳ IV, Tổng giám đốc Tổng Công ty CTCP May 10 - Phó Chủ tịch
- Ông Nguyễn Hữu Thập, Ủy viên Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ IV, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang - Phó Chủ tịch
- Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ IV, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn thuế SAF – Ủy viên Ban Thường vụ
- Ông Lê Anh Văn, Luật sư, Ủy viên Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ IV, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Tổng thư ký.

Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam (Hiệp hội), tiền thân là Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp, được thành lập ngày 22/7/1999 theo Quyết định số 212/1999/QĐ-TCCB của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, với mục tiêu tạo một địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận thông tin pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội, đồng thời làm cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, góp phần tích cực trong việc tạo dựng môi trường sản xuất, đầu tư, kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu rủi ro pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp.
Kết thúc nhiệm kỳ IV (2019 – 2024), Hiệp hội có 301 hội viên, trong đó có 193 hội viên tổ chức, 108 hội viên cá nhân, với số hội viên mới kết nạp từ năm 2019 đến nay là 13 doanh nghiệp.
Trong những năm qua, Lãnh đạo CLB đã tập trung thực hiện, phát triển các mục tiêu, nhiệm vụ:
- Rà soát tổng thể doanh nghiệp là Hội viên và các doanh nghiệp tiềm năng chưa tham gia;
- Xây dựng dịch vụ miễn phí mà các doanh nghiệp được hưởng khi trở thành Hội viên: Tư vấn pháp luật miễn phí cho các doanh nghiệp hội viên về các vướng mắc pháp lý thường gặp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (xây dựng và duy trì mạng lưới cộng tác viên là luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật để tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí); Cung cấp thông tin pháp lý miễn phí cho doanh nghiệp hội viên; Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý, cán bộ pháp chế, cán bộ chuyên môn của doanh nghiệp;
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho cán bộ của doanh nghiệp là Hội viên có nhu cầu;
- Tạo sự kết nối thường xuyên với Hội viên, thông qua các hoạt động: Khảo sát, nắm bắt những vướng mắc pháp lý doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh; Tập hợp các kiến nghị, đề xuất doanh nghiệp đặt ra đối với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý .
- Tư vấn pháp luật theo nhu cầu cho các doanh nghiệp.
Trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội đã tổ chức được hơn 80 Chương trình Bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, Toạ đàm về những vấn đề pháp lý, những kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế, cán bộ các phòng, ban và người quản lý doanh nghiệp, thu hút sự tham gia của gần 3000 đại biểu là cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước, các tập đoàn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các luật sư, luật gia trên toàn quốc. Các Chương trình được các đại biểu tham dự đánh giá cao về chất lượng và tính hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp.
Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng và thực thi pháp luật, Hiệp hội đã tham gia góp ý, xây dựng và hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật do Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành soạn thảo. Đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đất đai; Luật Thanh niên;… cùng nhiều Đề án, Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thời gian tới, với các Uỷ viên Ban Chấp hành mới được củng cố, kiện toàn, song song với việc xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Hiệp hội dự kiến sẽ thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội như sau:
- Thứ nhất, củng cố, kiện toàn tổ chức và cơ chế hoạt động của Hiệp hội.
- Thứ hai, triển khai có hiệu quả các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội.
- Thứ ba, đẩy mạnh công tác chăm sóc và phát triển hội viên.
- Thứ tư, tăng cường các hoạt động có thu để đảm bảo tài chính cho hoạt động của Hiệp hội.
- Thứ năm, mở rộng hợp tác, quảng bá thương hiệu hình ảnh của Hiệp hội.

Phát biểu kết luận tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh kỳ vọng Ban Chấp hành mới sẽ thổi nguồn sinh khí mới vào hoạt động của Hiệp hội; chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời triển khai đồng bộ các hoạt động của Hiệp hội; tiếp tục duy trì, phát huy những thành tích cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế nhiệm kỳ trước; góp phần tích cực trong công tác xây dựng, phát triển và mở rộng hoạt động Hiệp hội, khẳng định vai trò của Hiệp hội trong việc trở thành một bộ phận không thể thiếu đối với hoạt động kiến tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong thời kỳ mới, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới./.
Nguyễn Thành Huy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »