Ngày 10/11, Quốc hội tập trung thảo luận 2 dự án luật: Luật Tương trợ tư pháp và Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Tương trợ tư pháp hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích công dân
Hiện nay, các quan hệ pháp luật về dân sự, hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự có yếu tố nước ngoài phát sinh với tính chất phức tạp; quy mô và phạm vi ngày càng lớn. Những vấn đề này trong quan hệ về tư pháp với các nước mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định hoặc chưa có thoả thuận quốc tế thì không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Chính vì vậy trên cơ sở tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước khác, pháp luật nên có sự điều chỉnh kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân Việt Nam.
Tại phiên thảo luận sáng nay (10/11) về Luật Tương trợ tư pháp, hầu hết các đại biểu đều cho rằng việc ban hành Luật này là cần thiết. Các vấn đề như: phạm vi điều chỉnh, cơ quan đầu mối, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại, thẩm quyền ra quyết định dẫn độ là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.
Hầu hết các lĩnh vực trong hoạt động tương trợ tư pháp đều do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện như: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Vì thế các đại biểu đề nghị để tạo thuận lợi thực hiện quan hệ tương trợ tư pháp giữa Nhà nước ta với nước ngoài và phù hợp với thông lệ quốc tế nên giao cho một cơ quan ở Trung ương nhiệm vụ tiếp nhận các vụ việc, hồ sơ, tài liệu về tương trợ tư pháp do nước ngoài chuyển đến để chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền ở trong nước thực hiện.
Thảo luận về vấn đề xác định phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) cho rằng: Việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật phải bao gồm cả bốn lĩnh vực: tương trợ tư pháp về dân sự, về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Trong đó, việc dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù cũng là một phần của hình sự, do đó đưa các nội dung này trong một Luật là phù hợp
Đề cập đến quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại, đại biểu Nguyễn Đình Lộc (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Việc áp dụng nguyên tắc này phải bảo đảm yêu cầu không được làm ảnh hưởng và tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Quy định rõ chế độ, chính sách trong điều trị bệnh truyền nhiễm
Thảo luận về Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ chính sách của nhà nước đối với điều trị bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các chiến sĩ công an ở các trại giam rất dễ bị phơi nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, bổ sung thêm qui định về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, gia đình trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, quy định về điều trị, cách ly, hạn chế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm khi bệnh chưa phát triển thành dịch.
Hầu hết các đại biểu đều tán thành và nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và nội dung dự thảo án Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng như việc đơn giản hóa các qui định để người dân hiểu hơn về các dịch bệnh.
Đối với việc xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi không khai báo, hoặc khai báo không đúng tình trạng bệnh dịch, đại biểu Đỗ Nguyên Phương (Bình Phước) đề nghị cần phải có những quy định rõ ràng về vấn đề trên để không gây hậu quả xấu đối với xã hội.
(Theo website Chính phủ)