Sổ tay kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và giáo dục kỹ năng sống cho người chưa thành niên nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật

01/01/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Việc phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của phòng ngừa tội phạm trong xã hội, trong đó phổ biến, giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng người chưa thành niên (đặc biệt là người sắp thành niên - có độ tuổi từ 12 đến chưa đủ 18 tuổi) là giai đoạn có sự phát triển vượt bậc về thể chất và nhận thức. Trong giai đoạn này, các em trải qua nhiều biến động về tâm, sinh lý, có nhu cầu khẳng định bản thân mạnh mẽ nhưng đồng thời lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động từ bạn bè và môi trường sống cũng như chưa có năng lực đầy đủ để kiềm chế bốc đồng và thường có những quyết định chưa chín chắn. Vì vậy, trong giai đoạn này, người chưa thành niên dễ có các hành vi “nổi loạn”, hành vi “lệch chuẩn”, kể cả vi phạm pháp luật. Việc phòng ngừa vi phạm pháp luật ở người chưa thành niên muốn thành công đòi hỏi phải trang bị cho các em những quy định pháp luật về việc các em được làm những gì, không được làm gì (những hành vi bị nghiêm cấm) và các chế tài bị áp dụng trong trường hợp vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ. Ở độ tuổi từ 12 đến chưa đủ 18 tuổi, các em không chấp nhận thông tin một cách đơn giản mà có nhu cầu được hiểu sâu về lý do, ý nghĩa của các quy định pháp luật, tác động của việc không tuân thủ những quy định đó tới sức khỏe, tương lai của các em cũng như những kỹ năng thiết thực mà các em có thể áp dụng để ra quyết định đúng đắn, kiềm chế bốc đồng, biết cách ứng phó khi bị bạn bè lôi kéo, từ đó tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật. Các em cũng không dễ tiếp nhận thông tin một chiều mà có nhu cầu tương tác để làm sáng tỏ những nội dung chưa rõ ràng, cụ thể, trao đổi, thảo luận để tự tìm ra hướng xử lý với sự hỗ trợ, định hướng của tuyên truyền viên pháp luật. Để đáp ứng yêu cầu đó đòi hỏi phải áp dụng phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo cách tiếp cận liên ngành trong quá trình thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, với sự tham gia của các cán bộ liên quan như cán bộ y tế. Đồng thời, cần áp dụng phương pháp truyền thông mang tính tương tác cho phù hợp với đối tượng được truyền thông.
Với ý nghĩa đó, trong năm 2024, Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ với sự đóng góp tài chính từ Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã hỗ trợ Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp biên soạn Sổ tay kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và giáo dục kỹ năng sống nhằm phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Sổ tay gồm 05 chuyên đề gồm: (i) Pháp luật hiện hành về phòng, chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên; (ii) Người chưa thành niên và chất gây nghiện; (iii) Sức khỏe sinh sản với người chưa thành niên; (iv) Một số kỹ năng sống cơ bản dành cho người chưa thành niên; (v) Kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả cho người chưa thành niên.
Sổ tay cung cấp, hướng dẫn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả cho người chưa thành niên và một số các kiến thức khác có liên quan, qua đó góp phần cung cấp tài liệu nhằm góp phần nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật để từ đó triển khai thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng./.

File đính kèm:

Xem thêm »