Nhằm bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, Bộ Tư pháp đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Việc lấy ý kiến này nhằm hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước.
Trong đó, dự thảo Nghị định có một số điểm mới quan trọng như đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tham vấn chính sách; xây dựng và ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong trường hợp đặc biệt…
* Thứ nhất, về đổi mới quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL: Điểm nổi bật của dự thảo là hướng đến đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định, không áp dụng quy trình hai giai đoạn đối với nghị định, nghị quyết của Chính phủ nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.
Việc đăng ký xây dựng nghị định, nghị quyết của Chính phủ được dự thảo Nghị định quy định theo hướng, đối với trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc ban hành nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì không phải thực hiện việc đăng ký; các trường hợp còn lại thì phải đăng ký vào Chương trình công tác của Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quy chế làm việc của Chính phủ.
Về đánh giá tác động của quy định, theo dự thảo, chỉ được thực hiện đối với Nghị định quy định vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội (điểm c, khoản 1 Điều 14) và Nghị quyết của Chính phủ thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết của Chính phủ (điểm c, khoản 2, Điều 14).
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định việc xây dựng, ban hành nghị định, nghị quyết của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp đặc biệt.
* Thứ hai, về lập đề xuất của Chính phủ về định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội và Chương trình lập pháp hằng năm và triển khai Định hướng, Chương trình. Bộ Tư pháp là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng đề xuất của Chính phủ về Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội để trình Chính phủ xem xét, thông qua và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm tạo cơ sở cho các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động thực hiện xây dựng chính sách, soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng và trình Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội.
Nghị định quy định trường hợp phát sinh nhiệm vụ lập pháp mới, các bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh kế hoạch triển khai thực hiện.
* Thứ ba, quy định về tham vấn chính sách, lấy ý kiến chính sách đối với các bộ, cơ quan ngang Bộ nhằm tăng trách nhiệm giải trình. Đây là một điểm mới nhằm bảo đảm cho quá trình xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến và tăng trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo. Theo đó, bộ, cơ quan ngang bộ lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tham vấn đối với chính sách liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của bộ, cơ quan ngang bộ khác. Việc tham vấn chính sách có thể thực hiện nhiều lần thông qua hội nghị tham vấn và có thể được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến.
* Thứ tư, về thẩm định chính sách, dự thảo Nghị định quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan trong quá trình thẩm định chính sách, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thông qua chính sách và dự thảo luật cũng được quy định rõ về trình tự, thủ tục nhằm bảo đảm chất lượng văn bản được ban hành.
* Thứ năm, về quy định về thủ tục hành chính (TTHC) trong VBQPPL. Luật năm 2025 đã cho phép các cơ quan có thẩm quyền quy định TTHC trong VBQPPL. Tuy nhiên, để tránh việc ban hành tùy tiện, dự thảo Nghị định đề ra nguyên tắc bảo đảm tính cần thiết, đơn giản, minh bạch và giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp được giao trách nhiệm hướng dẫn đánh giá tác động của TTHC để bảo đảm tính hợp lý và hiệu quả của các quy định.
Cuối cùng, một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Nghị định là quy định về truyền thông chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Nhằm tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các chính sách, cơ quan lập đề xuất chính sách và cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm truyền thông về nội dung cơ bản của chính sách, các dự án, dự thảo văn bản, đặc biệt là những vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh luận và có tác động trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan. Nội dung truyền thông sẽ được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cũng như các quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung so với quy định hiện hành. Việc truyền thông sẽ được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau do cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động lựa chọn và triển khai thực hiện.
Lê Diệu Linh - Lê Hồng Hạnh