Ngày 14/4/2025, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Bàn về thuật ngữ, nội hàm, tiêu chí đánh giá, đo lường văn hóa tuân thủ pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện một số sở ban ngành và các đồng chí đại diện Sở Tư pháp một số địa phương lân cận TP. Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp - Chủ trì Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho biết, lần đầu tiên, cụm từ “văn hóa tuân thủ pháp luật” được đề cập trong Thông báo số 108-KL/TW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, trong đó yêu cầu:
“đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp”. Vấn đề văn hóa tuân thủ pháp luật được đồng chí Tổng Bí thư nêu ra trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, yêu cầu của Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Để đáp ứng yêu cầu, bối cảnh đó, một trong những nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, cần nghiên cứu, làm rõ nội hàm và tiêu chí xây dựng, đo lường văn hóa tuân thủ pháp luật sẽ làm cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh mới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã phân tích, đưa ra những trao đổi, thảo luận về thuật ngữ, nội hàm cũng như tiêu chí, đo lường “văn hoá tuân thủ pháp luật’.
Đa số các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất “văn hoá tuân thủ pháp luật” là một bộ phận của văn hoá pháp lý và là một phần của “nền văn hoá”. Cùng với đó, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, nếu tiếp cận thuật ngữ “tuân thủ pháp luật” trong “văn hoá tuân thủ pháp luật” theo khái niệm kinh điển tại các giáo trình đào tạo luật hiện nay là việc kiềm chế không thực hiện hành vi do pháp luật cấm là quá hẹp. Chính vì vậy, cần hiểu rộng “tuân thủ pháp luật” là việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ do pháp luật quy định, đồng thời kiềm chế, không thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm.
Theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp nhận định rằng “văn hóa tuân thủ pháp luật được xem là những giá trị tinh thần và vật chất được hình thành, được sáng tạo và phát triển liên quan đến các hành vi tuân thủ (thực hiện) pháp luật của con người.”. Về nội hàm của “văn hoá tuân thủ pháp”, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn cho rằng, nội hàm của “văn hoá tuân thủ pháp luật” bao gồm các yếu tố: Tri thức pháp luật; thái độ, tình cảm đối với pháp luật; hành vi tuân thủ pháp luật tự giác, nghiêm minh; giao tiếp pháp lý và cách thức, khả năng, trình độ sử dụng các công cụ pháp luật của Nhà nước.
PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải hiểu ý thức pháp luật và nội dung căn cốt của “văn hoá tuân thủ pháp luật”. Đồng thời khẳng định vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với việc xây dựng và phát triển “văn hoá tuân thủ pháp luật” trong cán bộ, Nhân dân.
GS.TS Đỗ Văn Đại, Hiệu phó Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
Theo đánh giá của một số đại biểu tham dự Hội thảo, hiện nay, các giá trị cốt lõi của văn hóa tuân thủ pháp luật – như ý thức thượng tôn pháp luật, hành vi chấp hành pháp luật tự giác, tinh thần đấu tranh bảo vệ công lý – đã được lan tỏa trong cộng đồng. Từ cấp độ cá nhân đến cấp độ cộng đồng, sự chuyển động của ý thức và hành vi pháp lý đang góp phần hình thành nền tảng ban đầu cho một xã hội có văn hóa tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm pháp luật hiện nay ở nước ta vẫn còn khá phức tạp, số vụ vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực hàng năm còn cao. Ở một số nơi, còn tồn tại tình trạng người dân tuân thủ, chấp hành pháp luật mang tính đối phó, thiếu chủ động và không xuất phát từ ý thức nội tâm hóa quy phạm pháp lý. “Văn hoá tuân thủ pháp luật” sẽ chỉ thực sự bền vững khi việc tìm hiểu pháp luật, tuân thủ pháp luật trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Việc tuân thủ pháp luật cần phải tự giác thực hiện ngay cả khi không có sự có mặt của các cơ quan thực thi pháp luật.
Một số hình ảnh tại Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhận định việc xây dựng khái niệm “văn hoá tuân thủ pháp luật” là một nhiệm vụ cần một khối lượng tài liệu đầu vào khổng lồ. Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, “văn hoá tuân thủ pháp luật” cần phải được tiếp cận từ góc độ Nhà nước tạo điều kiện để người dân chủ động tìm hiểu pháp luật. Văn hoá tuân thủ pháp luật không chỉ là kết quả cuối cùng của quá trình giáo dục pháp lý hay thiết kế thể chế, mà còn là tấm gương phản chiếu trình độ văn minh của một dân tộc trong mối quan hệ với quyền lực, trách nhiệm và công lý. Một xã hội không thể trở nên pháp quyền thực chất nếu người dân tuân thủ pháp luật chỉ vì sợ trừng phạt, mà chưa đặt pháp luật vào vị trí của niềm tin, của lẽ phải và của giá trị sống. Khi pháp luật hòa nhập vào đời sống như không khí ta hít thở – vừa hiện hữu, vừa không áp đặt – ấy mới là lúc văn hoá tuân thủ đạt đến tầng sâu nhất: trở thành bản năng đạo đức của cộng đồng.
Lê Hồng Hạnh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý