Bộ Nội vụ được giao chủ trì soạn thảo Luật Tổ chức chính quyền sửa đổi. Hiện nay dự thảo luật đang được Bộ Nội vụ tổ chức lấy ý kiến góp ý trong thời hạn từ ngày 24/3/2025 đến ngày 14/5/2025 tại địa chỉ https://moha.gov.vn/van-ban/van-ban-du-thao/du-thao-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi-832.html#parentHorizontalTab2. Dự thảo Luật được Chính phủ dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2025.
Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được sửa đổi để phù hợp với yêu cầu tổ chức các đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp triệt để cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Thứ nhất, về các quy định liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 02 cấp. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt. Theo đó, cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhưng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh để bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời để mở rộng không gian phát triển. Tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp cơ sở, gồm xã, phường và đặc khu ở hải đảo, để phù hợp với mô hình tổ chức mới. Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Hội đồng nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể, kết hợp với đề cao trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Thứ hai, sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp cơ sở và đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương với địa phương và giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp cơ sở. Trên cơ sở mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương theo hướng: Cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cơ sở, vượt quá năng lực giải quyết của cơ sở, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh; Cấp cơ sở là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở.
Thứ ba, về giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức quyền địa phương từ 03 cấp sang 02 cấp. Để bảo đảm cho hoạt động của chính quyền địa phương khi chuyển đổi mô hình chính quyền từ 03 cấp sang 02 cấp diễn ra liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, dự thảo Luật quy định những nội dung chuyển tiếp liên quan đến một số vấn đề quan trọng, cấp bách cần ưu tiên giải quyết.
Trong đó quy định trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2025), giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Quy định chấm dứt việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng... Quy định thời hạn để các cơ quan của chính quyền địa phương cấp huyện (trước khi giải thể) phải bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền (15 ngày); hiệu lực và thẩm quyền xử lý các văn bản của chính quyền địa phương cấp huyện (sau khi giải thể); việc tiếp tục thực hiện các công trình, dự án đầu tư, các công việc, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của chính quyền địa phương cấp huyện chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng phát sinh vấn đề cần giải quyết;việc giao cho UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở…
Lê Hồng Hạnh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý