Tìm hiểu một số nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT

14/04/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Hiện nay dự thảo đang được tổ chức lấy ý kiến góp ý trong thời hạn từ ngày 31/3/2025 đến ngày 31/5/2025 tại địa chỉ https://moc.gov.vn/vn/Pages/chitietduthao.aspx?iDuThao=605. Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2025.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án BOT, trong đó tập trung vào các chính sách về bố trí vốn nhà nước tham gia, hỗ trợ dự án trong giai đoạn khai thác, trách nhiệm chia sẻ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và bên cho vay, thẩm quyền quyết định áp dụng chính sách đối với dự án phát sinh ngoài danh mục dự án kèm theo Nghị quyết.
Thứ nhất, về bố trí vốn nhà nước tham gia, hỗ trợ dự án trong giai đoạn khai thác. Nội dung chính sách này cho phép bố trí vốn nhà nước tham gia, hỗ trợ một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT trong giai đoạn khai thác để bảo đảm hiệu quả tài chính theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết này xác định danh mục các dự án bố trí vốn nhà nước hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng, cụ thể là bố trí vốn nhà nước hỗ trợ (khoảng 8.482 tỷ đồng) hỗ trợ 4/11 dự án để tiếp tục thực hiện hợp đồng, bao gồm: Dự án cầu Ba Vì - Việt Trì hỗ trợ khoảng 598 tỷ đồng (tương ứng 41% tổng mức đầu tư, chiếm 55% so với giá trị quyết toán); Dự án cầu Thái Hà hỗ trợ khoảng 1.024 tỷ đồng (tương ứng khoảng 60% tổng mức đầu tư; 70% so với giá trị quyết toán); Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả bổ sung khoảng 2.280 tỷ đồng thay thế hình thức hỗ trợ từ nguồn thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (tương ứng khoảng 37% tổng mức đầu tư, 37,5% so với giá trị quyết toán); Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hỗ trợ khoảng 4.600 tỷ đồng (tương ứng khoảng 38% tổng mức đầu tư, 41% so với giá trị quyết toán).
Thứ hai, về trách nhiệm chia sẻ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và bên cho vay. Khi thực hiện cơ chế, chính sách về bố trí vốn nhà nước tham gia, hỗ trợ dự án trong giai đoạn khai tác, Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và bên cho vay có trách nhiệm chia sẻ điều chỉnh hợp đồng tín dụng, phương án trả nợ phù hợp với doanh thu thực tế của dự án; điều chỉnh giảm tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu, lãi suất vốn vay bảo đảm thời hạn vận hành, kinh doanh sau khi điều chỉnh không vượt quá thời hạn vận hành, kinh doanh theo hợp đồng dự án được ký kết giữa các bên.
Việc thực hiện chính sách này nhằm bảo đảm nguyên tắc: (i) Nhà nước chỉ hỗ trợ một lần và dự án bảo đảm khả thi, không phát sinh thêm vướng mắc; (ii) Doanh thu thực tế hàng năm của dự án được chi trả theo thứ tự ưu tiên sau: chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, khai thác công trình dự án; một phần nợ gốc và vốn chủ sở hữu; đối với lãi vay và lợi nhuận, ngân hàng cho vay và nhà đầu tư có trách nhiệm điều chỉnh để phù hợp với phần doanh thu còn lại, đảm bảo không phát sinh chi phí lãi vay, lợi nhuận. Cụ thể, sau khi Nhà nước hỗ trợ: Trường hợp doanh thu thực tế tăng cao hơn so với dự kiến tại thời điểm tính toán hỗ trợ, các bên ký kết hợp đồng cập nhật phương án tài chính để rút ngắn thời gian hoàn vốn; Trường hợp doanh thu thực tế giảm so với dự kiến tại thời điểm tính toán thì ngân hàng cho vay và nhà đầu tư có trách nhiệm giảm lãi suất vốn vay, lợi nhuận phù hợp với doanh thu thực tế, bảo đảm không phát sinh khoản nợ về lãi vay, lợi nhuận trong năm.
Khi thực hiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định tại các điểm a, b, đ khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 4 Luật số 57/2024/QH15) đối với các dự án tại Phụ lục II kèm theo Nghị quyết này, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và bên cho vay có trách nhiệm chia sẻ: (1) Đối với vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư: không tính lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong giá trị đề nghị thanh toán. (2) Đối với vốn vay: áp dụng mức lãi suất 4%/năm từ thời điểm dự án đưa vào vận hành đến thời điểm cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt hợp đồng dự án.
Áp dụng chính sách này, vốn nhà nước đề nghị thanh toán được xác định theo nguyên tắc: tổng vốn đầu tư (theo quyết toán, bao gồm lãi vay trong giai đoạn xây dựng) + chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình dự án (được cơ quan ký kết hợp đồng xác nhận) + các khoản thuế, phí doanh nghiệp dự án phải nộp (theo quy định pháp luật về thuế, phí) + hỗ trợ một phần lãi vay huy động (4%/năm tổng số vốn vay được quyết toán, từ thời điểm đưa vào khai thác đến thời điểm chấm dứt hợp đồng) – tổng doanh thu thu phí.
Thứ ba, về thẩm quyền quyết định áp dụng chính sách đối với dự án phát sinh ngoài danh mục dự án kèm theo Nghị quyết. Theo nội dung chính sách này Thủ tướng Chính phủ được giao xem xét, quyết định áp dụng các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này đối với dự án phát sinh vướng mắc ngoài danh mục nêu tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị quyết này, bảo đảm nguyên tắc nêu tại Điều 4 Nghị quyết này và đáp ứng điều kiện sau:
- Chỉ sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với các dự án đang thu phí hoàn vốn nhưng do nguyên nhân khách quan dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng và việc áp dụng các giải pháp theo hợp đồng không khả thi, không bảo đảm hiệu quả tài chính.
- Chỉ sử dụng vốn nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng đối với các dự án: (i) do nguyên nhân khác quan không thể thu phí hoàn vốn theo hợp đồng 17 đã ký; hoặc (ii) đã thu phí hoàn vốn nhưng do nguyên nhân khách quan dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng và việc bố trí vốn nhà nước hỗ trợ theo quy định không khả thi để tiếp tục thực hiện hợp đồng; hoặc (ii) dự án có tính chất đặc thù cần bảo đảm an ninh, trật tự.
Nghị quyết được áp dụng đối với cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, tổ chức tín dụng là bên cho vay, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT ký kết trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Lê Hồng Hạnh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »