Nghị định 88/2025/NĐ-CP: Đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

21/04/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 13/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước thể chế hóa quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương lớn tại Nghị quyết Trung ương 6, khóa XIII về phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ, đồng thời hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới.

Doanh nghiệp – trung tâm của hệ sinh thái đổi mới
Nghị định mới được kỳ vọng sẽ mở đường cho sự hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia, nơi doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm – vừa là chủ thể triển khai công nghệ, vừa là hạt nhân định hình động lực tăng trưởng mới. Mô hình này phù hợp với xu thế toàn cầu: Từ hỗ trợ hành chính truyền thống sang hỗ trợ sáng tạo có điều kiện, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, còn doanh nghiệp chủ động “chơi cuộc chơi công nghệ”.
Những căn cứ rõ ràng để hỗ trợ doanh nghiệp
Một trong những điểm nổi bật của Nghị định là quy định minh bạch các căn cứ để xem xét hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và chuyển đổi số. Điều này không chỉ giúp phân loại đúng đối tượng, mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho công tác quản lý và giám sát thực hiện.
Thứ nhất, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ phải có hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ mới phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là tiêu chí then chốt thể hiện rõ cam kết đầu tư vào tri thức và công nghệ của doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp triển khai dự án chuyển đổi số thực chất, tức là có ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, quản trị hoặc mô hình kinh doanh, nhằm tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ ba, là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) có tiềm năng phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ đổi mới. Đây là nhóm doanh nghiệp có khả năng tạo đột phá về công nghệ và mô hình kinh doanh, cần được Nhà nước đồng hành trong giai đoạn đầu tiên-giai đoạn thường thiếu hụt nguồn lực và dễ bị loại khỏi thị trường nếu thiếu sự tiếp sức.
Thứ tư, doanh nghiệp có năng lực công nghệ nổi bật, được đánh giá bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc hội đồng chuyên gia độc lập. Sự thẩm định khách quan này giúp sàng lọc các trường hợp thật sự xứng đáng và đủ sức tạo tác động lan tỏa trong nền kinh tế.
Không dừng ở các điều kiện định tính, Nghị định còn yêu cầu doanh nghiệp trình bày kế hoạch triển khai khả thi, có cam kết kết quả cụ thể, lộ trình thực hiện rõ ràng và hồ sơ có căn cứ khoa học-kỹ thuật-tài chính đầy đủ, bảo đảm tính minh bạch và khả năng giám sát.
Đặc biệt, Nghị định mở rộng phạm vi thụ hưởng chính sách không chỉ giới hạn ở doanh nghiệp, mà còn bao gồm các tổ chức trung gian đổi mới sáng tạo như trung tâm ươm tạo, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… nếu các chủ thể này tham gia vào chuỗi giá trị đổi mới sáng tạo. Đây là bước đi có tính hệ thống, nhằm kết nối doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà đầu tư-nhà nước thành một chỉnh thể đồng bộ, tạo nên sức mạnh cộng hưởng cho toàn hệ sinh thái.
Chính sách hỗ trợ: Chọn lọc, có điều kiện nhưng thiết thực
Tiếp cận theo nguyên tắc “hỗ trợ đúng, trúng và hiệu quả”, Nghị định số 88/2025/NĐ-CP quy định rõ các điều kiện, căn cứ và cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G-một trong những lĩnh vực công nghệ then chốt phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Theo Điều 11 Nghị quyết số 193/2025/QH15, doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
1. Đã hoàn tất triển khai tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G ngoài trời tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, được nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ 19/02/2025 đến hết 31/12/2025;
2. Các trạm 5G được triển khai trên hạ tầng sẵn có hoặc mới xây dựng, mỗi trạm chỉ được tính cho một nhà mạng duy nhất;
3. Thiết bị sử dụng tại các trạm 5G phải thuộc chủng loại công nghệ cao như 64T64R, 32T32R, 16T16R, 8T8R hoặc 4T4R, và mỗi trạm phải có ít nhất một khối thu phát vô tuyến;
4. Doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề xuất kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ đến Bộ Khoa học và Công nghệ, phù hợp với quy trình xét duyệt.
Đáng chú ý, cơ chế hỗ trợ không mang tính đại trà, mà thực hiện trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và tính hiệu quả đầu ra. Theo đó, việc bố trí nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có các căn cứ pháp lý rõ ràng, bao gồm:
1. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận kết quả triển khai hạ tầng mạng 5G đủ điều kiện hỗ trợ;
2. Quyết định xác định chi phí thiết bị bình quân cho một trạm 5G, theo từng chủng loại và xuất xứ (phân biệt giữa thiết bị từ nước phát triển và đang phát triển);
3. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp;
4. Việc hỗ trợ được thực hiện khi đã có dự toán chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách.
Toàn bộ khoản hỗ trợ tài chính này được chi từ nguồn chi đầu tư phát triển khác của ngân sách trung ương và quan trọng, không hình thành tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là điểm mới mang tính cải cách, khẳng định vai trò “kiến tạo -đồng hành” của Nhà nước thay vì mô hình đầu tư sở hữu truyền thống.
Về nguyên tắc hạch toán, doanh nghiệp thụ hưởng có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán doanh nghiệp. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm ban hành hướng dẫn chi tiết.
Để đảm bảo tính trung thực và khách quan, Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền thành lập đoàn kiểm tra thực tế, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu doanh nghiệp kê khai sai lệch số lượng trạm 5G đã triển khai trong hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Tiệm cận xu thế toàn cầu
Nghị định số 88/2025/NĐ-CP cũng thể hiện rõ xu hướng hội nhập và tiệm cận với các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo đang được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Điểm chung của các mô hình quốc tế như Tech Access Initiative của Singapore, Horizon Europe của Liên minh châu Âu hay Innovate UK của Vương quốc Anh là đều tập trung vào việc giảm thiểu rào cản tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường yêu cầu về trách nhiệm giải trình và hiệu quả đầu ra. Những mô hình này cho thấy một thông điệp rõ ràng: Chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo không thể vận hành theo tư duy hành chính thụ động, mà cần dựa trên cơ chế thị trường có kiểm soát, có đo lường và gắn với kết quả thực chất.
Cụ thể, tại Singapore, chương trình Tech Access Initiative do Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore (A*STAR) chủ trì, hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận hệ thống thiết bị, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ sinh học. Doanh nghiệp có thể sử dụng các công nghệ như in 3D, robot, thiết bị kiểm tra hiện đại với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia, qua đó giảm thiểu rủi ro và chi phí đầu tư ban đầu trong quá trình thử nghiệm và triển khai công nghệ mới.
Tại châu Âu, chương trình Horizon Europe-quỹ tài trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo lớn nhất của EU-được triển khai với ngân sách hơn 95 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027. Chương trình đặt trọng tâm vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, năng lượng, y tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua hỗ trợ các dự án có tính ứng dụng cao và định hướng phát triển bền vững.
Trong khi đó, tại Vương quốc Anh, Innovate UK là cơ quan chuyên trách trong hệ thống UKRI (UK Research and Innovation), đóng vai trò dẫn dắt các chương trình tài trợ nghiên cứu và đổi mới. Innovate UK không chỉ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm, quy trình và dịch vụ mới, mà còn đóng vai trò trung gian kết nối doanh nghiệp với các đối tác nghiên cứu, thị trường tiêu dùng và hệ sinh thái đầu tư. Cơ chế vận hành linh hoạt, kết hợp giữa tài trợ, kết nối và tư vấn kỹ thuật giúp mô hình này được đánh giá là một trong những hình mẫu về hỗ trợ đổi mới sáng tạo hiệu quả trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
Những kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy rằng, để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động, điều kiện tiên quyết không chỉ là nguồn lực tài chính, mà còn là cơ chế chính sách rõ ràng, nhất quán và hướng tới kết quả. Việc Việt Nam ban hành Nghị định số 88/2025/NĐ-CP theo hướng tiếp cận này là một bước đi đúng đắn, tạo nền tảng để kết nối với những chuẩn mực quốc tế và thúc đẩy năng lực sáng tạo nội sinh của nền kinh tế.Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào kỷ nguyên công nghệ mới-nơi năng lực đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố quyết định vị thế quốc gia-Nghị định số 88/2025/NĐ-CP là một bước đi đúng và kịp thời. Không chỉ giải bài toán tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp, Nghị định còn đặt nền móng cho một cơ chế hỗ trợ hiện đại, hiệu quả và có trách nhiệm./.
Nguyễn Anh Vũ
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »