Ngày 13 tháng 4 năm 2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp viễn thông
Theo quy định tại Nghị định số 88/2025/NĐ-CP, các doanh nghiệp viễn thông sẽ được hỗ trợ tài chính khi triển khai mạng 5G nếu đáp ứng một số điều kiện cụ thể. Tổng mức hỗ trợ đã được xác định rõ không được vượt quá tổng số tiền trúng đấu giá của các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã thực hiện trong năm 2024.
Mức hỗ trợ cho mỗi trạm phát sóng 5G được quy định là 15% chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ.
Để được hưởng chính sách hỗ trợ này, doanh nghiệp viễn thông cần đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, Hoàn thành số lượng trạm tối thiểu: Doanh nghiệp viễn thông phải hoàn thành triển khai tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G trên phạm vi toàn quốc, bao gồm tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các trạm này phải được nghiệm thu đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ ngày 19/2/2025 đến hết ngày 31/12/2025.
Thứ hai, Yêu cầu về vị trí lắp đặt: Trạm 5G có thể được lắp đặt tại các vị trí hạ tầng sẵn có hoặc được triển khai mới. Tuy nhiên, mỗi trạm 5G chỉ được tính cho một nhà mạng duy nhất.
Thứ ba, Tiêu chuẩn kỹ thuật: Trạm 5G phải được lắp đặt ngoài trời (outdoor), sử dụng các thiết bị 64T64R, 32T32R, 16T16R, 8T8R, 4T4R. Mỗi trạm phải có từ 1 khối thu phát vô tuyến trở lên.
Thứ tư, Yêu cầu về kế hoạch và dự toán: Doanh nghiệp viễn thông phải đã đề xuất kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G với Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định.
Căn cứ hỗ trợ cho doanh nghiệp viễn thông
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G sẽ dựa trên các căn cứ sau:
(1) Quyết định công nhận kết quả: Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận kết quả triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G cho doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ tài chính.
(2) Quyết định về chi phí thiết bị bình quân: Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ. Chi phí này được xác định theo từng chủng loại và xuất xứ hàng hóa của nhà sản xuất (nước phát triển hoặc nước đang phát triển).
(3) Quyết định phê duyệt của Thủ tướng: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G.
(4) Dự toán ngân sách nhà nước: Đã bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nguồn kinh phí và cách thức hỗ trợ
Nghị định nêu rõ, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G từ nguồn chi đầu tư phát triển khác của ngân sách trung ương.
Điểm đáng chú ý là kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G đáp ứng điều kiện hỗ trợ tài chính theo quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị định này được xác định là khoản hỗ trợ tài chính không hình thành tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được yêu cầu thực hiện hạch toán khoản hỗ trợ tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán doanh nghiệp. Trong trường hợp hạch toán có vướng mắc, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của chính sách, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm lập đoàn kiểm tra thực tế nếu phát hiện có dấu hiệu doanh nghiệp báo cáo chưa chính xác về số lượng trạm phát sóng 5G đã triển khai trong hồ sơ đề nghị hỗ trợ tài chính.
Các trường hợp doanh nghiệp phải bồi hoàn chi phí hỗ trợ
Nghị định cũng quy định rõ các trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính để triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G:
Không đáp ứng điều kiện: Khi doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện quy định khi được cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thực tế theo quy định.
Gian lận hồ sơ: Doanh nghiệp giả mạo hồ sơ, sử dụng chứng từ bất hợp pháp; báo cáo, kê khai không chính xác thông tin, số liệu dẫn đến việc xác định số tiền hỗ trợ tài chính được hưởng cao hơn mức thực tế đáp ứng.
Ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp vi phạm các trường hợp quy định trên còn phải thực hiện bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G theo các mức độ sau:
Trường hợp không hoàn thành mục tiêu
Nếu doanh nghiệp không hoàn thành mục tiêu 20.000 trạm phát sóng 5G đáp ứng điều kiện quy định, doanh nghiệp phải nộp trả lại ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền đã được hỗ trợ. Đồng thời, doanh nghiệp còn phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền phạt bằng số kinh phí tính theo lãi suất tiền vay bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước cùng thời điểm. Số tiền phạt vi phạm được tính từ thời điểm doanh nghiệp nhận kinh phí hỗ trợ đến thời điểm nộp phạt.
Trường hợp hoàn thành vượt mục tiêu nhưng có một số trạm không đạt yêu cầu
Trong trường hợp doanh nghiệp hoàn thành vượt mục tiêu 20.000 trạm phát sóng 5G và đáp ứng điều kiện quy định, nhưng trong đó có số lượng trạm phát sóng 5G không đáp ứng điều kiện khi kiểm tra thực tế, doanh nghiệp phải nộp trả lại ngân sách nhà nước số tiền đã được hỗ trợ tương ứng với số tiền nhận hỗ trợ đối với các trạm phát sóng 5G không đáp ứng điều kiện theo quy định.
Đồng thời, doanh nghiệp còn phải nộp ngân sách nhà nước số tiền phạt vi phạm tính trên số tiền đã nhận hỗ trợ đối với các trạm phát sóng 5G không đủ điều kiện và lãi suất tiền vay bình quân của ngân hàng thương mại nhà nước cùng thời điểm. Số phạt vi phạm này được tính từ thời điểm doanh nghiệp nhận kinh phí hỗ trợ đến thời điểm nộp phạt.
Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xác định số tiền doanh nghiệp phải nộp bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G sau khi có kết quả thanh tra, kiểm tra thực tế việc triển khai hạ tầng mạng 5G của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này.
Thời hạn doanh nghiệp phải nộp trả tiền vi phạm vào ngân sách nhà nước là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ xác định doanh nghiệp phải nộp bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G.
Nghị định số 88/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 13 tháng 4 năm 2025.
Kiều Oanh