Ngày 19/3/2025, Bộ Xây dựng dự thảo Nghị quyết đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam.
Những cơ chế, chính sách trong Nghị quyết sẽ được áp dụng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở xã hội được xây dựng trên quỹ đất dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, và nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, dự thảo không áp dụng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng vốn đầu tư công.
Những cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất
Theo dự thảo Nghị quyết, có 6 cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất thí điểm, bao gồm:
Thứ nhất, Thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia
Thứ hai, Giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chủ đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội thông thường
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính Công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê
Thứ ba, Thủ tục về quy hoạch, đầu tư, xây dựng đối với dự án nhà ở xã hội
Thứ tư, Cơ chế, chính sách cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư để cho người lao động ở
Thứ năm, Quy định lợi nhuận định mức tối đa mà chủ đầu tư được hưởng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội
Thứ sáu, Cơ chế, chính sách sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho các dự án nhà ở xã hội
Đối tượng áp dụng
Dự thảo Nghị quyết đề xuất áp dụng cho các đối tượng sau: (1) Cơ quan nhà nước; (2) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; (3) Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê cho các đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở; (4) Doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp; (5) Cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; (6) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội
Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia
Dự thảo đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia, là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, được Chính phủ thành lập từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Quỹ này sẽ có nhiều chức năng quan trọng như: đầu tư trực tiếp để tạo lập quỹ nhà ở xã hội; quản lý quỹ nhà ở xã hội; hỗ trợ lãi suất cho vay không yêu cầu thế chấp; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; hỗ trợ đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội theo điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ được cấp có thẩm quyền quy định.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia.
Quy trình giao chủ đầu tư dự án
Dự thảo đề xuất quy trình giao chủ đầu tư dự án không thông qua đấu thầu với nhiều bước cụ thể:
Công bố danh mục dự án: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng lập và công bố công khai danh mục dự án trên các cổng thông tin điện tử của tỉnh và của Bộ Xây dựng. Danh mục này bao gồm các thông tin chi tiết về dự án như: tên dự án, mục tiêu, quy mô, hiện trạng sử dụng đất, thông tin quy hoạch, sơ bộ tổng vốn đầu tư, tiến độ thực hiện, và các cơ chế, chính sách ưu đãi.
Đăng ký của nhà đầu tư: Nhà đầu tư gửi hồ sơ đăng ký làm chủ đầu tư kèm theo các tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm, và các đề xuất về tiến độ, phương án thực hiện.
Quy trình xét duyệt:
Trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký: Nếu đủ điều kiện, Sở Xây dựng báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chủ đầu tư cho nhà đầu tư đó.
Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên: Việc lựa chọn sẽ dựa trên một số tiêu chí ưu tiên như kinh nghiệm, năng lực tài chính, tiến độ thực hiện, phương án bồi thường.
Trường hợp không có nhà đầu tư đăng ký trong thời hạn 30 ngày: Nếu sau thời hạn này có nhà đầu tư đủ điều kiện đăng ký, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể giao cho nhà đầu tư này.
Các trường hợp đặc biệt:
Đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi Nghị quyết có hiệu lực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể giao cho nhà đầu tư đã đề xuất dự án nếu đủ điều kiện.
Đối với quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã được chấp thuận bàn giao lại cho nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể giao cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đó trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án không có trong danh mục, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá sự phù hợp của dự án để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét.
Văn bản giao chủ đầu tư: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản giao chủ đầu tư với nội dung chi tiết về dự án. Văn bản này thay thế văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và là căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Đơn giản hóa thủ tục quy hoạch, đầu tư xây dựng
Dự thảo đề xuất các quy định đơn giản hóa thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội:
Miễn thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Đơn giản hóa quy hoạch: Trường hợp dự án chưa có quy hoạch chi tiết hoặc phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết, nhiệm vụ quy hoạch và đồ án quy hoạch chi tiết có thể được lập đồng thời, và việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có thể được thực hiện cùng một thời điểm.
Đơn giản hóa thẩm định thiết kế: Nội dung thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tập trung vào việc tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và sự phù hợp của thiết kế xây dựng với quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Đơn giản hóa cấp giấy phép xây dựng: Nội dung thẩm định để cấp giấy phép xây dựng tập trung vào các yếu tố chính và việc đáp ứng điều kiện cấp giấy phép xây dựng.
Cơ chế thuê nhà ở xã hội cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp
Dự thảo đề xuất cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội của các chủ đầu tư để cho người lao động của mình ở.
Tuy nhiên, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê nhà ở xã hội không được cho tổ chức, cá nhân không phải là người lao động của mình thuê lại. Quy định này nhằm đảm bảo nhà ở xã hội được sử dụng đúng mục đích, phục vụ người lao động trong các khu công nghiệp.
Kiều Oanh