Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025 của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (PBGDPL&TGPL) đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt, trong khuôn khổ triển khai Kế hoạch Dự án “Tăng cường Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng thế giới (WorldBank) tài trợ, ngày 16/5/2025, tại thành phố Hà Nội, Cục PBGDPL&TGPL tổ chức Hội thảo góp ý tài liệu tập huấn cho những người có liên quan về kỹ năng phối hợp thông tin trợ giúp pháp lý đến người dân.

Đến dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố Hà Nội, Yên Bái, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Bình, Lào Cai và đại diện Hội Luật gia, đại diện UBND xã/phường; một số công chức cấp xã, cán bộ chi hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, thành phố Hà Nội, Yên Bái, Điện Biên. Hội thảo còn có sự góp mặt của TS. Nguyễn Hải Yến, giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, chuyên gia trực tiếp xây dựng Bộ Tài liệu và các đồng chí Lãnh đạo, chuyên viên của Trung tâm Thông tin pháp luật và hỗ trợ, TGPL thuộc Cục PBGDPL & TGPL.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phó Cục trưởng Tô Thị Thu Hà nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công tác TGPL với tính chất là dịch vụ công thiết yếu, là một trong những chính sách có ý nghĩa nhân văn trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Từ khi triển khai Luật TGPL năm 2017 đến nay, hoạt động TGPL đã đi vào nền nếp và tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của công tác TGPL là thực hiện vụ việc TGPL. Số lượng và chất lượng dịch vụ TGPL ngày càng được nâng cao, thực sự trở thành công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Thông qua các vụ việc TGPL cho thấy đội ngũ người thực hiện TGPL nói chung và trợ giúp viên pháp lý nói riêng ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc giúp người yếu thế tiếp cận công lý, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội qua đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Để góp phần trong những kết quả đó, bên cạnh vai trò của các cơ quan quản lý TGPL ở trung ương và địa phương, sự nỗ lực của tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL thì còn có vai trò của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc phối hợp thông tin TGPL cho người dân như đội ngũ công chức thuộc các cơ quan nhà nước; đại diện các tổ chức đoàn thể ở cơ sở và những người khác có liên quan khác.
Trong bối cảnh đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW, Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu: Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trợ giúp pháp lý để người dân dễ tiếp cận pháp luật. Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ người thực hiện TGPL, Bộ Tư pháp, Cục PBGDPL&TGPL cũng đã xác định việc trang bị những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ phối hợp trong thông tin TGPL là rất cần thiết. Trên tinh thần đó, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” đã được phê duyệt và Kế hoạch hoạt động của Dự án, việc nghiên cứu, xây dựng “Tài liệu tập huấn về kỹ năng phối hợp thông tin trợ giúp pháp lý đến người dân” với mong muốn cung cấp nguồn tài liệu cơ bản cho đội ngũ người phối hợp trong việc thực hiện hoạt động thông tin TGPL đến người dân. Hội thảo này là một trong những bước quan trọng để góp phần hoàn thiện Tài liệu nêu trên. Đồng chí Tô Thị Thu Hà cũng đề nghị các đại biểu tham dự chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai nhiệm vụ này tại địa phương, góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo Tài liệu, đề xuất các ý tưởng, giải pháp để chuyên gia phối hợp với Cục tiếp tục hoàn thiện dự thảo Tài liệu đảm bảo khả thi, hiệu quả trên thực tế, góp phần tăng cường khả năng người dân tiếp cận và sử dụng TGPL.
Giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Tài liệu, TS. Nguyễn Hải Yến đã chia sẻ cuốn tài liệu gồm ba phần: (1) Một số kiến thức chung về TGPL và trách nhiệm phối hợp; (2) Các công việc cụ thể trong phối hợp thông tin TGPL đến người dân và chuyển gửi, giới thiệu thông tin người thuộc diện được TGPL đến tổ chức thực hiện TGPL; (3) Một số kỹ năng trong phối hợp thông tin TGPL đến người dân và giới thiệu, chuyển gửi thông tin người thuộc diện được TGPL đến tổ chức thực hiện.
Tại Hội thảo, để cung cấp cho các đại biểu bức tranh toàn cảnh về thực tiễn triển khai trên thực tế, đại diện các Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, thành phố Hà Nội, Cao Bằng, Hà Tĩnh đã tham gia ý kiến và có tham luận về thực trạng phối hợp thông tin TGPL đến người dân từ các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn; đại diện Ủy ban nhân dân xã Pà Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã trình bày tham luận về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thông tin TGPL đến người dân. Có thể thấy rằng, trên thực tế sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước (trừ cơ quan, người tiến hành tố tụng), người có liên quan trong giải thích, giới thiệu người được TGPL đến tổ chức thực hiện TGPL chưa được quan tâm đúng mức, chưa được triển khai thực hiện thường xuyên; chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể, nhất là về kỹ năng để công chức thuộc các cơ quan nhà nước, người có liên quan có thể tham khảo vận dụng triển khai.
Trên cơ sở gợi ý của đồng chí chủ trì Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có ý kiến về sự cần thiết, hình thức, cơ cấu và các nội dung cụ thể của tài liệu. Các ý kiến góp ý đều nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng tài liệu, mong muốn cuốn tài liệu được hoàn thiện sẽ trở thành cẩm nang cung cấp những thông tin cơ bản, thiết thực cho người có liên quan trong việc phối hợp thông tin TGPL. Đồng thời, có một số ý kiến góp ý cụ thể như: tài liệu nên kết cấu ngắn gọn hơn, đơn giản hơn, bổ sung thêm một số hình ảnh minh họa để tài liệu sinh động thêm; nêu rõ hơn phạm vi của tài liệu là áp dụng đối với người có liên quan (không thuộc phạm vi cơ quan, người tiến hành tố tụng); nghiên cứu, bổ sung thêm các kỹ năng trong quá trình phối hợp…
Kết luận Hội thảo, đồng chí chủ trì đã ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến trao đổi, thảo luận để hoàn thiện Bộ Tài liệu. Đồng thời, đồng chí cũng mong muốn kết quả của Hội thảo là cơ sở để tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp cung cấp thông tin TGPL nói riêng, công tác TGPL nói riêng trên phạm vi toàn quốc.
Bế mạc Hội thảo, bà Tô Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã ghi nhận những nội dung góp ý của các đại biểu và đề nghị Ban Tổ chức tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, gửi chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện Tài liệu để sớm tổ chức tập huấn đội người phối hợp thông tin trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người dân.
Một số hình ảnh khác của Hội thảo:
Thanh Trịnh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý