Tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người lao động khuyết tật

20/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Theo số liệu thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7,8% tổng dân số, trong số đó có khoảng 950.000 người tham gia thị trường lao động, chiếm chưa đến 25% số người trong độ tuổi lao động. Có thể khẳng định, người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động không chỉ giúp họ có thu nhập để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình mà còn góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Hơn nữa, việc tham gia thị trường lao động cũng giúp người khuyết tật tự tin vượt qua khó khăn, hòa nhập vào cộng đồng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên người lao động khuyết tật cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt nhận thức, hiểu biết pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ…

Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977). Một trong những mục tiêu cụ thể được xác định tại Đề án đó là: Nhận thức, trách nhiệm và thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân, đặc biệt là đối tượng đặc thù (trong đó có người khuyết tật, người lao động), trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được nâng cao. Xác định đây là những nhóm đối tượng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật và cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong việc nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật trong thời gian tới. Vì vậy, để thực hiện Đề án và góp phần nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật và nâng cao kiến thức pháp luật cho người khuyết tật, sáng ngày 19/5/2025, Bộ Tư pháp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người lao động khuyết tật. Tham dự và phát biểu tại Hội nghị có đồng chí Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, đồng chí Lê Văn Lộc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam. Tham dự Hội nghị có hơn 70 đại biểu là đại diện một số doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội và người lao động khuyết tật hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhấn mạnh, đối tượng người khuyết tật cần quan tâm đặc biệt, vì vậy Đảng, Nhà nước luôn quan tâm ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm. Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về người khuyết tật năm 2007, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Các quy định tại Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản luật như Luật Người Khuyết tật năm 2010, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014... đã ghi nhận và quy định quyền của người lao động nói chung, quyền của người lao động khuyết tật nói riêng. Đồng thời, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm quyền của người khuyết tật khi tham gia vào thị trường lao động... Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa mong muốn Hội nghị được tổ chức không chỉ để cung cấp cho các đại biểu các kiến thức pháp luật có liên quan mà còn mong muốn các đại biểu chia sẻ, trao đổi về các khó khăn, vướng mắc đối với các quy định pháp luật liên quan trực tiếp trong việc bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời kiến nghị, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ thông tin, PBGDPL cho người khuyết tật cũng như các doanh nghiệp hiện đang sử dụng đội ngũ người lao động là người khuyết tật trong thời gian tới...
Đồng chí Triệu Thị Hoa, Uỷ viên Ban Chấp hành, Giám đốc Trung tâm dạy nghề VAIDEcho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam nhận thấy việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về các vấn đề việc làm, đào tạo nghề… cho người khuyết tật, qua đó nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, tạo thu nhập bền vững cho người khuyết tật. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị tập huấn trong thời điểm tháng 5 có ý nghĩa hết sức quan trọng, vào đúng ngày kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Triệu Thị Hoa mong muốn trong thời gian tới, Lãnh đạo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp với Hiệp hội tổ chức các Hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp của Hiệp hội và người lao động khuyết tật.

Những nội dung pháp luật liên quan đến người lao động khuyết tật đã được TS. Lê Văn Đức – Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày, giới thiệu đến các đại biểu, tập trung vào các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và gắn với thực tiễn thi hành pháp luật của doanh nghiệp. Hội nghị đã mời TS. Nguyễn Huy Khoa giới thiệu những điểm mới cơ bản của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp về việc đóng bảo hiểm y tế đối với người lao động khuyết tật, thời gian nghỉ khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật; về việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật… Những vướng mắc đã được báo cáo viên pháp luật giải đáp thỏa đáng tại Hội nghị, tháo gỡ vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật.

Kết thúc Hội nghị, thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam, đồng chí Lê Văn Lộc - Phó Chủ tịch Hiệp hội gửi lời cảm ơn trân trọng đến Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã quan tâm, hỗ trợ Hiệp hội tổ chức Hội nghị thực sự thiết thực và có ý nghĩa. Theo Điều lệ, Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc trong các lĩnh vực khác liên quan đến việc sử dụng nguồn nhân lực là thương binh và người khuyết tật trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo ông Lộc, để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tiến tới mục tiêu thực hiện hóa quy định của pháp luật về quyền lao động và việc làm của người khuyết tật Việt Nam, việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp người khuyết tật, quyền lao động và việc làm của người khuyết tật là hết sức cần thiết./.
Lê Nguyên Thảo
Cục PBGDPL&TGPL
 

Xem thêm »