Sửa đổi Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

20/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Để đánh giá những tồn tại, bất cập của các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong xu thế đổi mới phát triển của đất nước, dự báo nhu cầu thời gian tới, đồng thời lấy ý kiến đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, chiều ngày 19/5/2025, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Định hướng hoàn thiện Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”. Tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu là chuyên gia pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở: ông Nguyễn Duy Lãm - Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Chủ tịch Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam; ông Uông Ngọc Thuẩn – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; đại diện một số bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương: Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đại diện một số Sở Tư pháp địa phương: Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa. Chủ trì Tọa đàm TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý.

Khai mạc Tọa đàm, bà Ngô Quỳnh Hoa đã khái quát về vai trò, ý nghĩa sâu sắc của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội, sơ lược kết quả đánh giá 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, khẳng định vai trò quan trọng của hòa giải viên trong tổ chức thực hiện hòa giải. Đồng thời, nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở về thể chế, về tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất nội dung sửa đổi Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013. Dự kiến nội dung sửa đổi Luật Hòa giải ở cơ sở bao gồm các quy định về: phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như phạm vi hòa giải ở cơ sở; tiêu chuẩn, thủ tục bầu, công nhận hòa giải viên; hình thức hòa giải; mô hình tổ chức, trách nhiệm quản lý công tác hòa giải ở cơ sở trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị; cơ chế, nguồn lực đảm bảo thu hút những người có kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải tham gia công tác này… Đây cũng là những nội dung thảo luận chính được các đại biểu trong Tọa đàm tham gia thảo luận sôi nổi.
Các đại biểu địa phương đã thông tin đến Tọa đàm những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn hiện nay như: hòa giải viên đa số là người cao tuổi nên còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật qua ứng dụng công nghệ thông tin (Điện Biên, Tuyên Quang), kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu, thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên một số địa phương chưa kịp thời (Điện Biên, Tuyên Quang), công tác bầu hòa giải viên tại một số nơi chưa đúng quy định (Vĩnh Phúc),…Các địa phương đều nhất trí việc cần sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật với một số nội dung như: mở rộng phạm vi hòa giải (có thể hòa giải cả các vụ, việc về thương mại); bổ sung quy định trình tự, thủ tục thực hiện hòa giải ở cơ sở trong Luật; nghiên cứu thành lập mô hình tổ chức mới (có thể là Ban/Hội đồng hòa giải) để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp hơn; cân nhắc sửa đổi thủ tục bầu hòa giải viên theo hướng chỉ định một số chức danh ở thôn là hòa giải viên; xây dựng hệ thống thông tin về hòa giải ở cơ sở;…

Các đại biểu bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cũng thể hiện sự thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này cũng như đáp ứng yêu cầu chính trị của nhà nước theo Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định để huy động đội ngũ luật gia, luật sư, những người đã công tác trong lĩnh vực pháp luật làm hòa giải viên, đồng thời cân nhắc bổ sung tiêu chuẩn về trình độ pháp luật của hòa giải viên để phù hợp với bối cảnh các vụ, việc hòa giải có tính chất ngày càng phức tạp; đại diện Bộ Công an cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong công tác phòng, chống tội phạm, vì vậy thời gian tới cần tiếp tục sửa đổi Luật Hòa giải ở cơ sở, đặc biệt có cơ chế, chính sách đãi ngộ tương xứng với đóng góp của hòa giải viên để có thể thu hút, huy động được sự tham gia của những người có tâm huyết, kiến thức và kỹ năng tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thông tin đến Tọa đàm một số mô hình thanh niên tham gia hòa giải ở cơ sở tiêu biểu như: “Đội thanh niên xung kích hòa giải” ở Quảng Ngãi, “Tổ hòa giải thanh niên” ở Thái Bình, Sơn La, từ đó đề nghị có quy định khuyến khích mở rộng các mô hình có sự tham gia của thanh niên trong hòa giải ở cơ sở. Đại diện Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của công chức tư pháp – hộ tịch hướng dẫn hòa giải viên về phạm vi hòa giải để thống nhất với các quy định của pháp luật…

Các chuyên gia về công tác hòa giải ở cơ sở đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua, đồng thời đề xuất các nội dung phải sửa đổi trong Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa pháp luật trên thế giới. Theo đó, các chuyên gia đề xuất nghiên cứu, bổ sung các quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở, về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức hiện nay, bổ sung quy định, sửa đổi nguyên tắc tổ chức và hoạt động hòa giải để nâng cao vị thế của công tác này trong xã hội, nghiên cứu bổ sung quy định về trung tâm hòa giải cộng đồng như một số nước trên thế giới…
 

Kết luận tại buổi Tọa đàm, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của hòa giải ở cơ sở trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự cần thiết về việc sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở trong bối cảnh sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và đổi mới công tác xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật theo các nghị quyết của Bộ Chính trị. Với những chia sẻ thẳng thắn và đầy trách nhiệm của các đại biểu tại Tọa đàm, hi vọng Luật Hòa giải ở cơ sở sửa đổi sẽ tạo khung pháp lý vững chắc, toàn diện cho việc tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải và hòa giải viên ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống của cộng đồng dân cư, góp phần tạo dựng một xã hội ổn định, văn minh và phát triển./.
Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
 

Xem thêm »