Nhiều văn bản được kịp thời ban hành, thể hiện chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

19/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2024, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01/4/2025); Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” (Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 14/5/2025); thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 (Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 15/5/2025); phê duyệt danh sách thành viên và chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 15/5/2025); ban hành văn bản quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý (Quyết định số 970/QĐ-TTg ngày 19/5/2025).

Theo đó, Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 41 chỉ tiêu cụ thể và giao 189 nhiệm vụ cần triển khai cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có 117 Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đồng bộ dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia để xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Bộ Tư pháp có 06 cơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý, bao gồm: (i) Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử’ (ii) Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; (iii) Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; (iv) Cơ sở dữ liệu thi hành án dân sự; (v) Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và (vi) Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.
Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng được giao triển khai một số nhiệm vụ cùng các bộ khác, ngành, địa phương. Trong đó có xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về kiến thức về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số cơ bản phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Rà soát các quy định pháp luật để tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động của mọi ngành, lĩnh vực trên môi trường số. Rà soát, điều chỉnh các quy trình nội bộ để đáp ứng các quy định của Luật Giao dịch điện tử; thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt sáng tạo, hiệu quả cho phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử thay thế với giấy tờ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính; sớm có phương án cắt giảm các thành phần hồ sơ khi dữ liệu đã được số hóa. Hoàn thành số hóa quy trình nghiệp vụ nội bộ, hồ sơ tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp, hoạt động công vụ (đất đai, tư pháp, y tế, giáo dục, lao động việc làm,...); tái sử dụng 100% dữ liệu đã số hóa để cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là các thủ tục liên quan đến cư trú, hộ tịch, giấy phép lái xe, đất đai, doanh nghiệp; triển khai tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh. Xây dựng các Đề án triển khai cơ chế thử nghiệm chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chiến lược trong các ngành, lĩnh vực. Tổ chức ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên dữ liệu lớn trong các ngành, lĩnh vực quan trọng. Triển khai các nền tảng số quốc gia, nền tảng số dùng chung của ngành, lĩnh vực, vùng theo danh mục đã được ban hành bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông của các ngành, lĩnh vực trên môi trường số.
Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách, các giải pháp quy mô quốc gia phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ: (1) Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách đột phá; cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (2) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp; điều phối việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, cải cách hành chính; điều phối chung việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. (3) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành, sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính; đôn đốc việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Quyết định số 970/QĐ-TTg quy định 05 nhóm trách nhiệm quan trọng, nhấn mạnh vai trò trực tiếp, tiên phong của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý. Trong đó người đứng đầu phải có trách nhiệm trực tiếp tổ chức, quán triệt nhận thức trong toàn bộ cơ quan, đơn vị về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việc này không chỉ dừng lại ở việc nhận thức, mà còn phải đi vào hành động cụ thể, bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện. Lãnh đạo cơ quan phải tiên phong, gương mẫu trong việc thúc đẩy nhận thức và tạo động lực để đổi mới sáng tạo trở thành một phần thiết yếu trong hoạt động thường xuyên của tổ chức. Người đứng đầu có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, đồng thời chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng và cấp trên về kết quả thực hiện…
Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và phát triển khoa học, công nghệ. Do đó, Quyết định yêu cầu người đứng đầu phải bố trí biên chế, tuyển dụng và có cơ chế đãi ngộ phù hợp đối với nhân sự có chuyên môn tốt trong các lĩnh vực thuộc các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào làm việc tại cơ quan, tổ chức. Phấn đấu đạt tỷ lệ tối thiểu 25% cán bộ có chuyên môn về công nghệ, khoa học trong đội ngũ lãnh đạo mỗi cơ quan, tổ chức. Việc kiện toàn đầu mối chuyên trách và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho 100% cán bộ, công chức là yêu cầu bắt buộc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, người đứng đầu cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, có cơ chế giải trình rõ ràng, nhằm phòng ngừa rủi ro tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý để xảy ra tham nhũng tiêu cực, lãng phí.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng là tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, nhằm thúc đẩy tính trách nhiệm, chủ động và sáng tạo trong toàn bộ hệ thống cơ quan Nhà nước./.
Nguyễn Thị Thạo – Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »