Phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng được Đảng, Nhà nước xác định là quyết tâm chính trị, đây là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối vơi người dân, thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm bảo đảm quyền tiếp cận nhà ở của người dân, quyền có nhà ở của công dân để “an cư - lạc nghiệp”, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, “lá lành đùm lá rách”. Đây vừa là chính sách an sinh xã hội cho người thu nhập thấp, người trẻ dưới 35 tuổi, người nghèo, người yếu thế, cũng là một động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm sự tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, phát triển nhà ở xã hội cũng góp phần đô thị hóa, xây dựng đô thị “sáng - xanh - sạch đẹp”, đảm bảo hạ tầng, tiết kiệm đất đai theo chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước.

Dự án nhà ở xã hội The Vesta, Hà Nội
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách.
Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt 27 - 27,5m² sàn/người. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021–2030 tiếp tục xác định nhiệm vụ "giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị", hướng tới 30m² sàn/người vào năm 2030. Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị nhấn mạnh bố trí ngân sách tương xứng, hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý, khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt tại khu công nghiệp. Đồng thời, yêu cầu các địa phương bảo đảm đủ quỹ đất và đổi mới mô hình quản lý nhà ở xã hội. Chỉ thị 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư xác định mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân tại đô thị đến năm 2030. Chỉ thị đề ra loạt giải pháp đột phá: cải cách thủ tục hành chính, rút gọn quy trình đầu tư, khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê bằng vốn đầu tư công, hình thành các quỹ tín thác, quỹ đầu tư vào nhà ở xã hội…
Về mặt pháp lý, ngày 29/5/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 201/2025/QH15 ngày 29 tháng 5 năm 2025 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Trong đó: giao Chính phủ quy định chi tiết về Quỹ nhà ở quốc gia; giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không bằng vốn đầu tư công; thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng; áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình công trình xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội;...
Theo Đề án được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 388/QĐ-TTg, mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1,06 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2025, trên địa bàn cả nước, mới có khoảng hơn 216.000 căn được hoàn thành hoặc đang triển khai. Tiến độ này còn cách xa so với yêu cầu, đòi hỏi cần có các chính sách mạnh mẽ, đồng bộ, đột phá hơn để tăng tốc thực hiện trong 5 năm còn lại.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 01/6/2025, triển khai Nghị quyết của Quốc hội, phân công nhiệm vụ cho các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng gấp rút xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành, bảo đảm hiệu lực đồng thời với Nghị quyết của Quốc hội.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Nghị quyết số 201/2025/QH15 (Điều 4; Điều 5; khoản 2, khoản 3 Điều 7; Điều 8) gồm 23 điều, quy định chi tiết về:
(i) Quỹ nhà ở quốc gia;
(ii) Giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không bằng vốn đầu tư công;
(iii) Thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;
(iv) Xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội;
(v) Các biện pháp thi hành thuộc thẩm quyền Chính phủ.
Dự thảo Nghị định chỉ quy định cụ thể về các yếu tố cấu thành của thủ tục hành chính đã được quy định tại Nghị quyết số 201/2025/QH15; đồng thời phân quyền toàn bộ cho chính quyền địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Cụ thể gồm các quy định về giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư hoặc có văn bản pháp lý tương đương; Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư hoặc chưa có văn bản pháp lý tương đương; Giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân đã được chấp thuận chủ trương đầu tư…
Đối với Quỹ nhà ở quốc gia, dự thảo Nghị định quy định gồm quỹ nhà ở trung ương và quỹ nhà ở địa phương, Quỹ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và cơ quan điều hành của quỹ nhà ở địa phương.
Phát triển nhà ở xã hội không chỉ là nhiệm vụ an sinh cấp thiết, mà còn là một nội dung cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia, thể hiện trách nhiệm chính trị và đạo lý của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân – đặc biệt là người lao động, người thu nhập thấp và các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, áp lực nhà ở ngày càng lớn và thị trường bất động sản còn nhiều biến động, việc ban hành đồng bộ, nhất quán và quyết liệt các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nhà ở xã hội là bước đi mang tính chiến lược, nhằm khơi thông các "nút thắt" về thể chế, tài chính và thủ tục đầu tư – những yếu tố vốn lâu nay cản trở sự phát triển đúng mức của phân khúc nhà ở xã hội.
Việc xây dựng Nghị định này là yêu cầu cấp thiết, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, đồng bộ, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu an sinh xã hội, giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, đồng thời cân đối cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa bất động sản, từ đó tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn và bảo đảm phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong giai đoạn tới./.
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý