Tại Kết luận số 135-KL/TW ngày 28/3/2025 về Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, Ban Bí thư đã yêu cầu: “các Tòa án nhân dân tổ chức 3 cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực. Kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện”; “sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan để bảo đảm mô hình, tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân các cấp sau khi tiến hành sắp xếp hoạt động".

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước - chủ trì Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 15 luật và 1 pháp lệnh vào sáng 03/7/2025
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua một số luật có liên quan đến sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và hoạt động của Tòa án nhân dân, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Tổ chức Viện kiểm sát, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các chức danh là người có thẩm quyền xử phạt thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Thủy sản và Kiểm ngư được thực hiện theo quy định của Chính phủ đã tác động trực tiếp đến Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Bên cạnh đó, việc không tổ chức Công an cấp huyện, chấm dứt hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tác động đến quy trình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tại Tòa án nhân dân
[1].
Để hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm quyền của Tòa án nhân dân và các cơ quan trong hoạt động tố tụng theo mô hình tổ chức mới, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ngày 27/6/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua Pháp lệnh số 08/2025/UBTVQH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển; Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Chi phí tố tụng (Pháp lệnh số 08/2025/UBTVQH15).
Ông Lê Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao giới thiệu một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh số 08/2025/UBTVQH15 (Ảnh: Triệu Hồ)
Theo giới thiệu của đại diện Tòa án nhân dân tối cáo, Pháp lệnh số 08/2025/UBTVQH15 gồm có 07 điều, trong đó 06 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 06 Pháp lệnh: (1) Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển; (2) Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay; (3) Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; (4) Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; (5) Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; (6) Pháp lệnh Chi phí tố tụng và 01 điều về điều khoản thi hành.
Trên cơ sở hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân có 03 cấp, không tổ chức Công an cấp huyện, chấm dứt hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Pháp lệnh có nội dung cơ bản cơ quan trọng như:
- Chuyển thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay, tàu biển từ “Tòa án nhân dân cấp tỉnh” sang “Tòa án nhân dân khu vực” để bảo đảm tối đa việc phân cấp, phân quyền cho địa phương (cấp cơ sở) theo chủ trương, định hướng của Đảng.
- Chuyển thẩm quyền đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính, biện pháp đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ “Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội”, “Công an cấp huyện” sang “Trưởng Công an cấp xã" để phù hợp với định hướng, sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo chủ trương của Đảng.
- Chuyển thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, biện pháp đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ “Tòa án nhân dân cấp huyện” sang “Tòa án nhân dân khu vực".
- Bổ sung thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát để phù hợp với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bãi bỏ mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các chức danh là người có thẩm quyền thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Thủy sản và Kiểm ngư. Việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của các chức danh này được thực hiện theo quy định của Chính phủ để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Quy định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Bổ sung điều khoản chuyển tiếp để giải quyết việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện cho Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ.
Pháp lệnh số 08/2025/UBTVQH15 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025./.
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
[1] Không còn thẩm quyền của Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội khi xem xét, chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đưa người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.