Luật Đấu thầu đã được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57-NQ/TW

07/07/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong quá trình thực hiện quy định tại Luật Đấu thầu, Luật đầu tư, Luật hải quan... đã phát sinh một số quy định cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hoá kịp thời, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh do sắp xếp bộ máy liên quan chính quyền địa phương 02 cấp; tăng cường phân cấp, phân quyền; quyết liệt đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính và giải quyết các bất cập, vướng mắc.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngày 25/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật số 90/2025/QH15 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của 08 luật, bao gồm Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2025. Theo đó, lần sửa đổi này, Luật Đấu thầu có một số nội dung quan trọng như:

Thứ nhất, một số quy định trong luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết định hoạt động lựa chọn nhà thầu của tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN; ưu đãi đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức KHCN, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu không sử dụng vốn NSNN, doanh nghiệp nhà nước được quyền tự quyết định trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.

Thứ hai, đối với đấu thầu trong nước, đấu thầu quốc tế, luật đã sửa đổi, bổ sung để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến nước ngoài; sửa đổi quy định để cho phép không bắt buộc đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu tham dự gói thầu chào hàng cạnh tranh.

Bổ sung trường hợp hủy thầu do thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt đối với dự án hoặc thay đổi về mục tiêu, phạm vi mua sắm đối với dự toán mua sắm do sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước và các trường hợp bất khả kháng khác làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung quy định lựa chọn nhà thầu “Đặt hàng”. Đây là hình thức giao trực tiếp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc các trường hợp sau đây: Sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; Hàng hóa, dịch vụ thuộc các lĩnh vực chiến lược; các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh, đào tạo nhân lực gắn với chuyển giao công nghệ; công nghệ số trọng điểm; Sản phẩm, hàng hóa từ kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc biệt theo pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hàng hóa, dịch vụ được đặt hàng theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực (thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, trường hợp pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực không quy định về quy trình, thủ tục thì áp dụng quy định của pháp luật về đấu thầu).

Ngoài ra, luật đã mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư, đặt hàng, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; bổ sung quy định để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu thầu; cho phép áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, phương pháp đánh giá theo các tiêu chí kỹ thuật đối với một số gói thầu thuộc lĩnh vực KHCN, chuyển đổi số; sửa đổi quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu theo các tiêu chí: (i) đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, (ii) kết quả thực hiện gói thầu, (iii) dự án đầu tư kinh doanh của nhà thầu, nhà đầu tư.

Thứ ba, cắt giảm, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian trong đấu thầu theo hướng lược bỏ thủ tục thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, không bắt buộc thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu đối với một số gói thầu quy mô nhỏ, quy trình đơn giản; lược bỏ một số thủ tục, thao tác đấu thầu qua mạng và một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu; bãi bỏ vai trò bên mời thầu; không áp dụng bảo đảm cạnh tranh đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp có cùng cơ quan quản lý.

Thứ tư, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng phân cấp cho Chính phủ quy định chi tiết hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh; trao quyền cho chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu (đấu thầu, chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đặt hàng hoặc các hình thức khác); phân cấp trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, sửa đổi hợp đồng của người có thẩm quyền cho chủ đầu tư.

Các quy định được sửa đổi, bổ sung trong Luật Đấu thầu theo Luật số 90/2025/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 sẽ xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai con số trong thời gian tới./.

Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »