Quy định mới về điều động, biệt phái công chức

09/07/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 30/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/2025/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 và thay thế Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định số 170/2025/NĐ-CP là quy định về điều động, biệt phái công chức, cụ thể như sau:

1. Điều động, biệt phái công chức
Nghị định số 170/2025/NĐ-CP đã bổ sung 07 trường hợp không thực hiện điều động, biệt phái công chức, cụ thể như sau:
 (i) Công chức đang trong quá trình bị xem xét, xử lý kỷ luật;
(ii) Công chức đang bị khởi tố, điều tra hoặc có liên quan đến các cuộc thanh tra, kiểm tra;
(iii) Công chức đang trong quá trình điều trị bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế;
(iv) Công chức đang tham gia học tập dài hạn hoặc đang được cử đi biệt phái theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
(v) Công chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc công chức nam (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp có nguyện vọng được điều động;
(vi) Công chức có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức xác nhận, trừ trường hợp có nguyện vọng được điều động;
(vii) Các trường hợp khác do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền điều động quyết định tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể.
2. Chế độ, chính sách đối với công chức được điều động, biệt phái
So với Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, Nghị định số 170/2025/NĐ-CP bổ sung thêm chính sách cho người được điều động, biệt phái: trường hợp cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái có chế độ, chính sách đặc thù thì ngoài lương và các quyền lợi khác do cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái chi trả, công chức còn được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù do cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái chi trả. Theo đó, các công chức được điều động, biệt phái sẽ được hưởng các chế độ, chính sách như sau:
a) Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được điều động đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 06 tháng.
b) Cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của công chức trong thời gian được cử biệt phái; bố trí công việc phù hợp cho công chức khi hết thời gian biệt phái. Trường hợp cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái có chế độ, chính sách đặc thù thì ngoài lương và các quyền lợi khác do cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái chi trả, công chức còn được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù do cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái chi trả.
c) Trường hợp công chức được biệt phái đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật
Các quy định về điều động, biệt phái tại Nghị định số 170/2025/NĐ-CP được đánh giá rõ ràng, nhân văn hơn so với Nghị định số 138/2020/NĐ-CP khi quy định chi tiết các trường hợp không thực hiện điều động, biệt phái và có chế độ tốt hơn cho công chức được điều động, biệt phái./.

Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »