Tham dự Tọa đàm có đại điện của Sở Tư pháp các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, TP. Huế, TP. Đà Nẵng; đại diện một số sở, ngành và Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân (UBND), công chức làm công tác pháp luật của các xã, phường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý và TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đồng chủ trì Tọa đàm. Đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh cùng tham dự Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Lê Vệ Quốc nhấn mạnh: Năm 2025 là năm cuối giai đoạn của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Qua 05 năm triển khai, ngành Tư pháp đã có những đóng góp quan trọng vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục tăng qua các năm. Hằng năm, Bộ Tư pháp và các cơ quan địa phương đã tổ chức hàng trăm nghìn Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tư vấn pháp luật miễn phí tại cơ sở, giải quyết hàng chục nghìn vụ, việc trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa các hành vi vi phạm và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân. Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nội dung về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý và tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc nội dung Chương trình, từ đó có cơ sở đề xuất nội dung Chương trình và tiêu chí “tiếp cận pháp luật” trong các Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2026-2030, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho việc phát triển xã hội nông thôn theo hướng hiện đại, minh bạch, an toàn, công bằng và bền vững trong thời gian tới.
Tiêu chí tiếp cận pháp luật được sửa đổi tinh gọn, bảo đảm tính khả thi, thực chất
Tại Tọa đàm, các đại biểu được nghe TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý giới thiệu về những điểm mới cơ bản của dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, đặc khu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (thay thế Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg) và nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, đặc khu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Một trong những điểm mới quan trọng tại các dự thảo văn bản quy định về xã, phường, đặc khu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí tiếp cận pháp luật đã được sửa đổi được quy định theo hướng tinh gọn gồm 03 tiêu chí và 14 chỉ tiêu thành phần, tập trung vào những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành tư pháp. Nội dung, mức độ đạt chuẩn của từng chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được quy định tại dự thảo Thông tư của Bộ Tư pháp theo hướng định lượng tối đa, loại bỏ các chỉ tiêu còn chung chung, định tính, khó kiểm chứng. Trong đó phần lớn các chỉ tiêu được xác định mức độ đạt chuẩn theo tỷ lệ % (không quy định cách tính điểm như Thông tư số 09/2021/TT-BTP trước đây), qua đó nhằm góp phần làm đơn giản hoá, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, tạo sự linh hoạt trong việc tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân cấp cho UBND cấp tỉnh nhiệm vụ ban hành hướng dẫn tài liệu chứng minh mức độ đạt của các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, thời gian đánh giá, quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, đồng chí Đinh Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Xác định vai trò quan trọng của nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, là cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, hàng năm Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch và văn bản chỉ đạo, đồng thời tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn cho các địa phương. Nhờ đó, công tác này ngày càng đi vào nề nếp. Năm 2024, toàn tỉnh có 203/209 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Dự thảo các văn bản quy định thẩm quyền công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là hoàn toàn phù hợp khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp. Tuy nhiên, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải tổ chức thẩm định, xây dựng báo cáo, trình Chủ tịch UBND tỉnh. Với khối lượng công việc lớn, yêu cầu chi tiết, chính xác theo từng chỉ tiêu, thời hạn này là khó khả thi. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn các địa phương số hóa quy trình đánh giá, đồng thời nghiên cứu, xây dựng phần mềm hỗ trợ nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, giảm áp lực cho địa phương, đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Đây cũng là vấn đề băn khoăn của nhiều đại biểu khi phát biểu tại Tọa đàm. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung góp ý các quy định về nội dung, mức độ đạt chuẩn của chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Thông tư của Bộ trưởng Tư pháp như chỉ tiêu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ tiêu thực hiện Kế hoạch PBGDPL, chỉ tiêu tỷ lệ vụ việc hòa giải thành, chỉ tiêu bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chỉ tiêu về trợ giúp pháp lý…
Giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp
Trên cơ sở định hướng thảo luận của các đồng chí chủ trì, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 02 cấp. Đồng chí Lê Vệ Quốc và đồng chí Ngô Quỳnh Hoa đã giải đáp trực tiếp các khó khăn, vướng mắc của các địa phương liên quan đến nội dung về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, tiếp cận pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên cơ sở nắm bắt, khó khăn vướng mắc của địa phương, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý sẽ tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, chính sách về các lĩnh vực này nói chung và thể chế về đánh giá, công nhận tiếp cận pháp luật nói riêng.

Cũng tại Tọa đàm, ông Trần Văn Trí, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Luật Việt Nam cũng giới thiệu đến các đại biểu các trải nghiệm về AI Pháp luật trên Cổng Pháp luật quốc gia. AI pháp luật được giới thiệu trên Cổng Pháp luật quốc gia là phiên bản thử nghiệm ban đầu do doanh nghiệp đối tác phát triển. “AI Pháp luật” có nhiều đặc điểm nổi bật như: Được huấn luyện từ hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, luôn cập nhật theo quy định mới nhất; câu trả lời luôn có căn cứ pháp lý, liên kết đến điều, khoản của văn bản gốc, dễ xác thực, đối chiếu; cấu trúc trả lời tương tự chuyên gia pháp lý giải đáp, giao tiếp tự nhiên; xử lý tốt tình huống có tính toán công thức; hỗ trợ đa ngôn ngữ, hoạt động 24/7... Đây là giải pháp thực sự hữu ích trong việc tra cứu, tìm hiểu thông tin pháp luật theo nhu cầu của từng cá nhân, tổ chức.


Phát biểu bế mạc, TS. Lê Vệ Quốc trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu. Trong thời gian tới, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý sẽ tiếp tục tổ chức các Tọa đàm, buổi làm việc, khảo sát lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương, cơ sở khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp. Từ đó nghiên cứu đưa ra các đề xuất định hướng, giải pháp để tham mưu các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, pháp luật và chỉ đạo tháo gỡ những “điểm nghẽn” của công tác này trong thời gian tới./.