Tội phạm trong lĩnh vực Thi hành án: Vì sao ít xử?

20/03/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Các hành vi không chấp hành án, không thi hành án (THA) và cản trở việc THA được BLHS quy định thành 3 điều luật riêng rẽ. Tuy vậy, trên thực tế việc khởi tố, truy tố và xét xử các vụ án này chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong khi các đối tượng có hành vi chống đối, cản trở THA thì nhiều vô kể.

Một trong những lý do khiến cho tỷ lệ án tồn đọng ngày càng tăng, đặc biệt có nhiều vụ việc dây dưa, kéo dài hàng chục năm không thể kết thúc đó là do các hành vi chống đối, cản trở, không chấp hành án của người phải THA (thậm chí của cả người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) diễn ra khá phổ biến. Nhiều vụ việc đối tượng còn huy động cả thương binh, người già, phụ nữ, trẻ em, các đối tượng nghiện hút, có tiền án tiền sự hoặc bị nhiễm HIV…để gây sức ép. Việc dùng xăng dầu, doạ tự thiêu, tự sát, thậm chí chống trả lực lượng chức năng cũng không còn là hy hữu đặc biệt trong các vụ việc phải dùng biện pháp cưỡng chế. Táo bạo hơn, nhiều đối tượng còn đặt bom, mìn tự tạo nhằm gây sát thương (ở TP. Vinh- Nghệ An, Phó Trưởng THADSTP này đã bị đối tượng đặt bộc phá tại nhà riêng, rất may bộc phá không nổ).

Không chỉ đến khi cưỡng chế, đối tượng mới có hành vi cản trở, chống đối, mà trong suốt quá trình thi hành án chấp hành viên luôn phải đối mặt với thực tế này. Vi phạm nhiều, nhưng việc xử lý lại quá ít. Ông Nguyễn Văn Luyện – Cục trưởng Cục THA – Bộ Tư pháp thừa nhận: liên quan đến các tội danh này mỗi năm ngành Toà án chỉ đưa ra xét xử một vài việc. Thực tế này không phản ánh đúng thực trạng hiện nay là các hành vi cản trở, chống đối THA đang diễn ra phổ biến và ngày càng phức tạp.

Phân tích nguyên nhân này, ông Trần Văn Thu – trưởng THADS Nghệ An cho rằng: cơ chế hiện nay trao quyền cho chấp hành viên quá ít, các quy định để bảo vệ sự an toàn cho họ lại quá lỏng lẻo, cho nên khi tác nghiệp chấp hành viên không dám làm mạnh, kể cả khi bị đối tượng sử dụng vũ khí tấn công. Có nhiều vụ, việc chống đối diễn ra giữa thanh thiên, bạch nhật, có tỷ lệ thương tích hẳn hoi…nhưng cũng không bị xử lý. Trong phạm vi thẩm quyền của mình cơ quan THA chỉ biết đề nghị khởi tố, tuy nhiên sau đó, nhiều vụ bị “chìm xuồng”. Chung ý kiến với ông Thu, nhiều đại diện của các cơ quan THA bức xúc: vẫn còn tâm lý e dè, nể nang trong các cơ quan tiến hành tố tụng, do đó, các vụ chống đối THA vẫn không được khởi tố.

Trong lĩnh vực THA, không phải địa phương nào cũng “nương tay”, đã có những vụ việc được đưa ra xét xử kịp thời (dù không nhiều). Tuy nhiên, mức án cho các bị cáo này lại quá nhẹ. Ông Hồ Quang Vinh- Trưởng THA tỉnh Bình Định dẫn chứng: có những việc hành vi chống là rất nghiêm trọng ( gây thương tích cho nhiều người, phạm tội có tổ chức, có chuẩn bị từ trước…) tuy nhiên Toà chỉ xử án treo. Như vậy sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và không có sức răn đe, phòng ngừa.

Như vậy, mặc dù với việc bổ sung tội không chấp hành án trong BLHS năm 1999 nhưng việc khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi THA là nghề nhiều rủi ro vì động chạm trực tiếp đến quyền lợi về vật chất, danh dự của các bên đương sự. Cán bộ, chấp hành viên của các cơ quan THA đang hàng ngày phải đối mặt với nguy hiểm nhưng thực sự họ thiếu niềm tin vì chưa có cơ chế bảo vệ sự an toàn trong tác nghiệp. Để các quy định của BLHS nói chung, tội danh về THA nói riêng có hiệu lực trên thực tế, trước hết các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý nghiêm, xử lý triệt để các hành vi chống đối, cản trở THA. Bên cạnh đó, để ngăn ngừa tội phạm, cần có những quy định cụ thể bảo đảm cho sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ và danh dự cho chấp hành viên. Nên trao cho chấp hành viên những quyền năng cụ thể đặc biệt trong cưỡng chế THA. Được biết, trong dự thảo Luật THADS đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, ngoài quy định chấp hành viên có quyền khám người, thu giữ đồ vật, tài liệu, phương tiện của người phải THA (nếu họ cố tình không thi hành), trong trường hợp thật sự cần thiết, chấp hành viên có thể bắt tạm giam trong thời hạn luật định, đồng thời lập hành vi vi phạm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Trao quyền, tuy nhiên để tránh lạm quyền, cần có những quy định và cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa cơ quan quản lý cấp trên, VKS, HĐND…đối với chấp hành viên và cơ quan THA.

                             (Còn nữa)

Thu Hằng – Báo pháp luật VN

Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

(Điều 304 BLHS- Tội không chấp hành án)

Xem thêm »