Pháp lệnh Công an xã sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2009

26/11/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Pháp lệnh Công an xã đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua vào Phiên làm việc cuối tuần qua và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009

Không bổ sung biên chế

Lần đầu tiên trình dự án Pháp lệnh Công an xã ra Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 6/2008, Chính phủ muốn xin thêm một biên chế Phó Trưởng Công an xã và dự kiến quy định Ngày truyền thống của lực lượng Công an xã là mùng 10 tháng 10. Tuy nhiên, qua nhiều phiên họp, hai đề xuất này không được Ủy ban thường vụ chấp thuận. Pháp lệnh Công an xã được thông qua ngày 21/11 quy định rõ “Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn xã”. Về tổ chức, Pháp lệnh quy định, lực lượng công an xã gồm các chức danh Trưởng công an xã, Phó trưởng công an xã và công an viên. Công an viên được bố trí theo thôn, xóm, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc và bố trí làm nhiệm vụ thường trực tại trụ sở hoặc nơi làm việc của Công an xã. Chính phủ sẽ quy định khung số lượng Phó trưởng Công an xã và Công an viên.

Lực lượng Công an xã được quy định 14 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, trong đó thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, CMND và các giấy tờ đi lại khác; quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, bảo vệ môi trường; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã theo phân cấp và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an. Công an xã cũng có nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang; tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm lẩn trốn trên địa bàn xã; dẫn giải người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp...

Pháp lệnh cũng quy định nghiêm cấm các hành vi giả danh Công an xã, chống lại hoặc cản trở Công an xã thi hành công vụ; sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang phục, phù hiệu của Công an xã; lợi dụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã để gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân..

Quan tâm hơn tới chế độ, chính sách và nơi làm việc

Đáng chú ý, Pháp lệnh Công an xã được thông qua lần này đã dành hẳn Chương III để quy định về Đảm bảo kinh phí hoạt động và chế độ, chính sách đối với Công an xã. Đây cũng chính là vấn đề lâu nay bị “kêu” nhất do không được đãi ngộ thỏa đáng trong khi phải đảm nhận quá nhiều việc, không ít Công an xã đã “xin thôi” nhiệm vụ. Theo đó, Pháp lệnh quy định Trưởng Công an xã được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật; Phó trưởng Công an xã và Công an viên được hưởng phụ cấp hàng tháng theo quy định của Chính phủ. Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Trưởng Công an xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên; có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần. Công an xã trong khi thi hành nhiệm vụ nếu bị thương hoặc hy sinh thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Riêng Phó trưởng Công an xã và Công an viên trong thời gian công tác được ngân sách địa phương chi tiền khám, chữa bệnh. Công an viên trong thời gian được cử đi tập trung đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong CAND; khi đi công tác được hưởng chế độ công tác phí.

Ngoài ra, Pháp lệnh cũng quy định Công an xã có trụ sở hoặc nơi làm việc riêng phù hợp với điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hôi ở cơ sở.

Hồng Thúy

Xem thêm »